Bị 'cưỡng chế' ôm USD

Bị 'cưỡng chế' ôm USD
“Chúng tôi đang bị “cưỡng chế” ôm tiền USD”, tổng giám đốc một ngân hàng than vãn về tình trạng thừa USD không bán được của mình.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank, Giám đốc Vietcombank Tp.HCM nhận xét: “Hiện nguồn cung ngoại tệ khá dư giả. Giá USD sát giá sàn. Mua USD không khó trên thị trường”.

Một tổng giám đốc nhà băng khác mô tả tình trạng tiền USD đang ở trong két sắt ngân hàng ông nhiều đến mức ngân hàng đủ để lo được sự mất cân đối trong thanh toán ngắn hạn.

Đến thời điểm này, “trên thị trường toàn người bán, rất ít người mua – nếu không nói là hiếm hoi”, một vị giám đốc khác nói. Theo ông, nếu bán lại, ngân hàng nước ngoài họ cũng không mua. Chính vì vậy nên có ngày, nhiều ngân hàng niêm yết giá bán bằng giá mua USD với giá rớt kịch sàn – một chuyện hiếm thấy vài năm gần đây.

Vì là nhà băng, nên khi khách hàng đến bán, có ngân hàng dù không muốn “ôm” thêm, vẫn buộc phải tươi cười mua vào.

Vậy nên, các ngân hàng thương mại rất muốn tìm đến “cứu cánh” là Ngân hàng Nhà nước. Dù đầu tháng, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai việc mua ngoại tệ bổ sung cho Quỹ dự trữ Quốc gia, nhưng Ngân hàng Nhà nước gần như vẫn chưa nhúc nhích.

“Các ông ấy hầu như không mua, và nếu mua thì lượng mua nhỏ giọt”, ông S. bức xúc. “Tiền đồng lãi suất 8 – 9%/năm, khách hàng đến bán chúng tôi phải mua USD đưa VND cho họ. USD nằm đó với lãi suất 4 – 5% năm. Nếu ôm dài hạn, ngân hàng lỗ là cái chắc. Chúng tôi như rơi vào thế bị “cưỡng chế” ôm USD vậy”, ông S. nói.

Theo ông, thời điểm này phải giữ trạng thái trung hoà không mua không bán USD thì mới không chịu rủi ro này.

“Người mua cuối cùng” khó xuống tay!

Theo một chuyên gia, có thể Ngân hàng Nhà nước chưa mở cửa mua USD như mấy tháng đầu năm bởi họ cho rằng chưa có trường hợp nào đáng “báo động” cần “ứng cứu”.

Hiện nay, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức thấp, chưa có ngân hàng nào trữ ngoại tệ vượt mức 15 – 17% vốn tự có, trong khi biên độ cho phép là 30%. Và nếu hiểu “thừa ngoại tệ” là trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại vượt 30% vốn tự có, có thể Ngân hàng Nhà nước thấy không có trường hợp nào cần can thiệp.

Tuy nhiên, không thể hiểu là chưa có ngân hàng nào ở mức dương 15 – 17% dưới biên độ cho phép nghĩa là ngân hàng đó vẫn ổn thoả với lượng USD đang ôm trong tay. Họ cần phải bán, phải luân chuyển, nhất là trong tình hình USD đang xuống giá, trong một tháng từ 16.235 đồng/USD còn 16.080 đồng/USD như hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò “người mua cuối cùng”, bây giờ “ông ấy” ngừng mua, khiến cho lượng USD trong ngân hàng mất đi một phần thanh khoản, một chuyên gia nhận xét.

Hơn nữa, ngoài Ngân hàng Nhà nước, ai sẽ mua cho các ngân hàng thương mại đây, khi mà dung lượng thị trường của Việt Nam vẫn còn chưa lớn để ngân hàng thương mại có thể tự quản lý rủi ro của mình, ông nói tiếp.

Theo chuyên gia này, một lý do để hiểu sự ngần ngại của Ngân hàng Nhà nước là bởi trên vai “ông” còn gánh nặng lạm phát. Nếu tiếp tục tung tiền đồng mua ngoại tệ thì lạm phát có thể sẽ “phát bệnh” nặng hơn. Ngược lại, nếu không mua thì tiền đồng tăng giá, gây rắc rối cho xuất khẩu. Việc phát hành trái phiếu, tín phiếu... để thu tiền đồng về thì phải chịu lãi suất. Và trái phiếu cũng đang bị “chê” bởi lãi suất không hấp dẫn.

Trong khi đó, lượng cung USD có nhiều dấu hiệu vẫn tiếp tục dồi dào bởi luồng vốn gián tiếp vẫn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo Sài Gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG