Bi hài chuyện lên sàn

Bi hài chuyện lên sàn
Với không khí sôi sục của sàn chứng khoán, thắng bại trong đầu tư không chỉ phụ thuộc vào kiến thức hay kinh nghiệm, mà còn bị ảnh hưởng bởi những chuyện vô cùng vặt vãnh.

"Đừng tưởng gửi xe là chuyện nhỏ" - một anh bạn đã cảnh báo như vậy khi biết tin tôi "ti toe" đi mở tài khoản chơi chứng khoán. Anh bám trụ tại sàn Bảo Việt đã 3 năm và trải qua cả thời kỳ làm thượng đế lẫn thường dân.

Lúc sàn chứng khoán đìu hiu, nhà đầu tư (NĐT) đến mở tài khoản được đối đãi như thượng khách với trà ngon, ghế đệm và đội ngũ tư vấn viên trẻ đẹp. Sàn nào trông cũng trang nhã và lịch sự.

Chỉ vài tháng gần đây khi TTCK lên hương, các sàn giao dịch bắt đầu quá tải, nhếch nhác, thì chuyện đầu tiên khiến anh bực mình là chuyện bãi gửi xe:

"Sàn Bảo Việt chỉ có một vỉa hè hẹp đủ cho hơn trăm chiếc xe, vé rẻ cũng 2.000đ. Ai đến muộn đành dắt bộ đi tìm chỗ gửi, vừa mất thời gian, vừa bực mình mà nộp lệnh chậm thì chắc chắn rớt" - anh cho biết.

Dạo quanh một vòng các Cty chứng khoán trung tâm mới thấy chuyện bãi để xe là cả một vấn đề. Sàn Habubank (HN), một trong những sàn có sân bãi thuộc loại rộng nhất Hà Nội cũng đã hết chỗ hơn hai tuần nay. NĐT đến sau 8h bị bảo vệ "xua" ra, phải vứt xe trên vỉa hè và tự... bảo quản.

Từ ngày 9.3, sàn Habubank được "tăng cường an ninh" khi xuất hiện một đội dân phòng khu vực "nhảy" ra làm dịch vụ trông giữ xe. Ban đầu đội này không phát vé, NĐT cứ việc xếp gọn xe dưới lòng đường, tự khóa và nộp tiền, giá đồng loạt 2.000đ/xe.

Hàng dãy ôtô trước kia được xếp vô tư dọc hai bên đường nhưng nay bị "lùa" hết vào bãi gửi Ngọc Khánh. Tính sơ sơ sàn này, lượng xe phải gửi lên đến hàng trăm chiếc. Như vậy chỉ hơn một tiếng buổi sáng, doanh thu trông giữ xe đã lên tới vài trăm ngàn đồng.

Có chỗ để xe đã là một điều may. Nhiều sàn giao dịch có diện tích để xe quá hẹp hoặc tận dụng vỉa hè đều rủi ro quá tải. Trước cửa sàn An Bình tại HN sáng 16.3 được một phen náo loạn khi cảnh sát giao thông "ra tay" chấn chỉnh trật tự.

Cả chục chiếc xe máy bị cảnh sát giao thông chất lên xe tải chở đi, chờ xử phạt. Sàn Incombank lại có "vẻ riêng" khi thanh lọc nhà đầu tư bằng cách yêu cầu xuất trình thẻ giao dịch!

Chuyện cái thang máy, toilet và...

Sàn chứng khoán lắm chuyện bi hài xung quanh những việc rất vặt vãnh.

Anh V - NĐT tại sàn BIDV - cho biết, không ít người từng "chết dở" vì cái thang máy vì sàn nằm tít trên tầng 10. Anh V cho biết, có lần chỉ vì đến muộn mà phải chờ thang mất hơn 10 phút và hầu như mỗi tầng lại dừng lại một lần khiến mò lên đến nơi cũng đã gần hết phiên một.

Anh H - một NĐT mới cũng kể đã "tá hỏa" khi lên sàn một Cty CK mới mở trên phố Huế. Nghe nói sàn này vắng, anh nhờ một người bạn mở giúp tài khoản. Nhưng khi lên đến nơi mới biết sàn này thụt sâu trong một ngõ vào hẹp và phía trước lại là một cửa hàng trưng bày. Theo lời anh, nói gở, lỡ xảy ra hoả hoạn thì không biết có chạy kịp ra ngoài hay không.

Sàn Bảo Việt thì được mệnh danh là "cái cối nêm" khi từ 8 giờ sáng đã chật cứng người đứng bu quanh hai màn hình ngoài hành lang, tắc cầu thang bộ và bịt kín luôn cả cửa "toalet". Những ngày giao dịch sôi động, việc chen được vào để sử dụng toalet cũng khó khăn chẳng khác gì chen vào đặt lệnh!

Một chuyện dở khóc dở cười khác là chuyện phiếu lệnh. NĐT mới lên sàn không chỉ lo cổ phiếu rớt giá mà còn lo cả việc hết phiếu lệnh. Sàn Habubank thời còn vắng vẻ, phiếu lệnh mua, bán được xếp ngay ngắn từng chồng.

Khi quá tải, nhà đầu tư chỉ chăm chăm "thủ" cho được một tập phiếu làm của riêng để "phòng thân" khiến nhân viên môi giới chỉ dám để sẵn một ít phiếu, còn lại phát theo yêu cầu. Đã có trường hợp NĐT giành nhau phiếu lệnh mà dẫn đến to tiếng.

Một điều lạ là những chuyện dễ gây bực mình ấy được "xổ ra" trong những lúc nhàn rỗi nhưng rồi ai ai cũng lại lên sàn vào mỗi buổi sáng. Suy cho cùng, đối với họ, chất lượng dịch vụ có giảm cũng được, miễn sao lệnh cứ khớp và giá cứ lên!

Theo Hoàng Nguyên
Lao Động

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.