Bị kiện bán phá giá: Giày da thiệt hại lớn

Bị kiện bán phá giá: Giày da thiệt hại lớn
TP - Hơn 100 DN giày da VN, đã trả lời câu hỏi xin hưởng quy chế kinh tế thị trường của EU và bị điều tra bán phá giá ở thị trường EU đang ngồi “trên lửa” chờ kết luận sơ bộ của tổ chức này.
Bị kiện bán phá giá: Giày da thiệt hại lớn ảnh 1
Nếu bị áp thuế chống bán phá giá, ngành giày da sẽ bị thiệt hại lớn  ảnh: Cẩm Bình

Ủy ban châu Âu (EC) chưa kết luận chính thức, song các DN đã bị tác động xấu rất lớn, hàng nghìn công nhân có thể lao đao vì mất việc.

Thiệt hại đổ đầu DN

Vụ kiện chống bán phá giá với giày da là vụ thứ 10 mà các ngành công nghiệp trong EU tiến hành đối với các mặt hàng xuất khẩu của VN, do đó những phản ứng của các DN, tổ chức rất thận trọng.

Tuy nhiên, đúng như cảnh báo từ đầu tháng 12/2005 của ông Nguyễn Gia Thảo- Chủ tịch Hiệp hội giày da VN, nhiều DN có nguy cơ bị mất khách đặt hàng. Đến đầu năm 2006, số DN sản xuất giày có đơn hàng nhập khẩu mới chỉ đạt hơn 50% so với cùng kỳ.

Chính vì thế, những ngày đầu năm 2006 này, các DN sản xuất giày da không còn bận rộn với các đơn hàng mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu giày da sẽ suy giảm.

Các DN giày da cho rằng, quyền lợi của 500 nghìn công nhân làm việc trong ngành da giày đang bị ảnh hưởng trực tiếp và ngày càng nghiêm trọng vì vụ kiện, ngoài ra nhiều vấn đề xã hội xấu khác vẫn đang phát sinh.

Theo trình tự vụ kiện chống bán phá giá EU đang thực hiện với giày da, ngày 1/3/2006 này, EC sẽ đưa ra kết luận sơ bộ. Theo một quan chức Cục quản lý cạnh tranh, đa số DN nước ngoài sản xuất tại VN đều đứng về phía Hiệp hội da giày VN để phản đối việc áp thuế ép buộc có thể diễn ra.

Trước thông tin về việc EU sẽ áp mức thuế chống bán phá giá với da giày của VN và Trung Quốc, ngày 21/2/2006, Bà Đinh Thị Mỹ Loan-Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho Tiền Phong biết, Bộ vẫn chưa nhận được kết luận chính thức nào từ phía EU.

Tuy nhiên, bà Loan tỏ ra rất lo ngại tác động của vụ kiện đến ngành hàng xuất khẩu lớn này, bởi theo bà, nguy cơ các DN nước ngoài không đặt hàng từ VN rất cao. Tác động tiêu cực gây bất lợi cho DN da giày VN đã thể hiện rất rõ.

Ngoài ra cũng có thông tin cho rằng, nhiều DN nước ngoài sợ tác động của vụ kiện đã chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác, dù chưa có báo cáo nào xác nhận thực tế này. Một chuyên gia tính toán nếu bị EU áp thuế chống bán phá giá thì mục tiêu kim ngạch XK 3,6 tỷ USD trong năm nay và 24 tỷ USD trong 5 năm tới khó mà đạt được.

Chống bán phá giá giày da của VN là cưỡng ép!

Ông Nguyễn Gia Thảo cho rằng, 80% DN xuất khẩu giày làm gia công cho nước ngoài chứ không trực tiếp sản xuất, xuất khẩu trực tiếp sang EU. Do không được quyết định giá thành, giá xuất khẩu nên DN của VN không thể là đơn vị bán phá giá được.

Việc một số quan chức của EU cho biết có thể sẽ dùng các biện pháp hạn chế XK giày da của VN là xử ép. Nếu EU áp mức thuế chống bán phá giá với giày da VN là gây tổn hại lợi ích của các nhà thiết kế, thương nhân, nhà phân phối và 450 triệu người tiêu dùng của 25 nước thành viên của EU. 

MỚI - NÓNG