Bí mật kinh doanh của đế chế Auchan

Bí mật kinh doanh của đế chế Auchan
TP - Hệ thống siêu thị Auchan, người khổng lồ trong ngành kinh doanh bán lẻ trên thế giới là công ty ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đằng sau sự thành công của gia đình Mulliez, chủ sở hữu đế chế kinh doanh Auchan là nhiều bí mật kinh doanh lâu đời.
Bí mật kinh doanh của đế chế Auchan ảnh 1
Ông Gerald Mulliez

Nhà sáng lập hệ thống bán lẻ của Pháp mang tên Auchan, ông Gerald Mulliez, năm nay đã bước sang tuổi 70, là một trong những doanh nghiệp giàu có nhất nước Pháp. Các chuyên gia tạp chí Challenges đánh giá tài sản của tỉ phú này ở con số 15 tỉ euro.

Năm ngoái, Mulliez đã vượt lên trên Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn LVMH (đứng đầu trên thế giới về kinh doanh hàng xa xỉ phẩm), người từng giữ vị trí đầu bảng truyền thống trong nhiều năm. Theo thống kê của tạp chí, thu nhập của hệ thống siêu thị Auchan trong năm 2008 tăng gần 30%.

Điều lạ lùng là trong danh sách các nhà tỉ phú mới nhất của tạp chí Forbes (Mỹ) mới đăng hồi tháng ba vừa rồi chẳng có thông tin nào về Gerald Mulliez. Tính bảo mật là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của gia đình nhà Mulliez, nhất là khi liên quan tới các con số như doanh thu, vốn đầu tư và lãi.

Danh sách các thành viên trong dòng họ nhà Mulliez tham gia vào sự nghiệp kinh doanh của gia đình có thể làm bạn chóng mặt. Theo thống kê của tạp chí Journal du Dimanche, tính tới năm 2008, có tới 550 người mang họ Mulliez đảm đương các nhiệm vụ chủ chốt trong tập đoàn Auchan.

Khởi nghiệp từ nhà máy sản xuất giấy

Lịch sử của đế chế có một không hai trong lịch sử thương mại hiện đại bắt đầu từ năm 1847, từ một nhà máy sản xuất giấy, rồi dần phát triển sang ngành dệt và dần hình thành Công ty dệt Phildar.

Gerald Mulliez học trường đại học dệt và ngay từ những năm sinh viên đã tham gia vào công việc của nhà máy dệt do gia đình ông sở hữu. Đầu tiên Gerald trở thành thợ cả, sau đó là kỹ sư trưởng, tới năm 1965 ông được chỉ định làm giám đốc kinh doanh của Phildar.

Lúc đó, kinh tế Pháp phát triển mạnh. Vô số các nhà máy, xí nghiệp mọc lên, kéo theo sự tăng trưởng dân số với tốc độ chóng mặt. Gerald Mulliez là một trong những người đầu tiên ở Pháp nhận ra rằng những quầy hàng thực phẩm nhỏ rải rác và vụn vặt không thể đáp ứng nổi nhu cầu của nhiều triệu người dân.

Ông nghe nói tới những trung tâm buôn bán có quy mô cực lớn ở Mỹ, và lập tức bỏ tiền mua vé máy bay ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 1961, cửa hàng Auchan đầu tiên được khánh thành tại kho của một nhà máy dệt đã ngừng hoạt động. Logo của công ty được thiết kế dưới dạng một chữ A có vẽ thêm con chim bên cạnh, biểu tượng của sự gần gũi giữa siêu thị với thiên nhiên, cũng có nghĩa là các mặt hàng thực phẩm mà Auchan bán ra luôn tươi mới và dễ tìm.

Auchan áp dụng những sách lược rất hiệu quả ngay từ khi bắt đầu: không tham lãi mà cố gắng bán được nhiều. Một mẹo kinh doanh nữa là tập trung vào một mặt hàng dễ bán nhất: rượu và đồ uống.

Một trong những bí quyết thành công của Auchan: tổ chức khép kín và bảo thủ, tuân theo tôn ti trật tự nghiêm ngặt của dòng họ. Auchan không hề bị phụ thuộc vào các ngân hàng bên ngoài, bởi mọi chính sách đầu tư đều được ban lãnh đạo tối cao của dòng họ quyết định, sử dụng nguồn nội lực hùng mạnh.

Đầu tiên Auchan tổ chức bán đại hạ giá rượu Whisky, dân tình kéo đến cửa hàng nườm nượp. Khi đó Auchan bắt đầu bày bán các thực phẩm khác như đồ hộp, thịt lạnh, cá biển...

Trong siêu thị, có xưởng nướng bánh mì đảm bảo luôn phục vụ các loại bánh mì, bánh ngọt còn nóng hôi hổi. Chi phí kho bãi được giảm tới mức tối thiểu, chủ yếu là hàng mới, rau quả tươi nhập từ các nhà cung cấp theo nguyên tắc bán xong mới thanh toán.

Muốn mua rẻ, phải mua nhiều

Người Pháp nhanh chóng nhận ra một chân lý: muốn mua rẻ, phải mua nhiều. Và thế là dần dần, cứ vào cuối tuần, xe cộ nối đuôi nhau đổ về Auchan. Đã đến lúc phải mở rộng kinh doanh, khai trương thêm các siêu thị mới. Năm 1967, siêu thị bán hàng hạ giá Auchan đầu tiên ra đời.

Tới năm 1977 đã có tất cả 30 cửa hàng thuộc hệ thống này, còn bản thân Auchan được mệnh danh là công ty có quy mô quốc gia. Cũng từ đó, các nhân viên trong công ty được quyền trở thành cổ đông của Auchan.

Ngày nay, Auchan nắm trong tay 244 siêu thị ở Pháp (gần một nửa tổng số các siêu thị trong nước) và 2.740 siêu thị nằm rải rác khắp 14 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, đế chế Auchan còn sở hữu một loạt các hệ thống cửa hàng khác như Decathlon (chuyên kinh doanh hàng thể thao), Tapis Saint-Maclou à Kiabi (kinh doanh quần áo), Boulanger (đồ gia dụng), các nhà hàng Flunch và Pizza Pai.

Khi đã đứng vững trên thị trường trong nước, Gerald Mulliez nghĩ tới việc vươn ra nước ngoài. Năm 1981, siêu thị mang tên Alcampo được khai trương tại Tây Ban Nha. Tới cuối những thập kỷ 80, Auchan đã đặt chân lên lục địa châu Mỹ, rồi tiếp đó là Ý, Ba Lan, Luxemburg, Bồ Đào Nha.

Chiến lược sáp nhập và liên minh với các tập đoàn nội địa ở các nước khác nhau để "cắm rễ" trên xứ người đã tỏ ra rất hiệu quả, bằng chứng là Auchan nhanh chóng chiếm được vị trí trong danh sách các hệ thống kinh doanh bán lẻ quốc tế khổng lồ nhất.

Những chú chim của Pháp (biểu tượng của Auchan) tỏ ra kiên cường và bất khuất trước những sóng gió của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mới đây, Gerald Mulliez còn tự tin tuyên bố rằng tập đoàn sẽ tiếp tục kế hoạch mở thêm 50 điểm kinh doanh hàng năm. "Tiền sinh ra không phải để tiêu thụ, mà là để phát triển kinh doanh," Gerald đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn báo chí.

MỚI - NÓNG