Bí quyết 5 'M' cho DN nước ngoài đầu tư thành công tại Việt Nam

Bí quyết 5 'M' cho DN nước ngoài đầu tư thành công tại Việt Nam
TP - Trước khi cam kết đầu tư vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm tới 5 chữ “M”, bao gồm money (tiền), manpower (nhân lực), mechanism (cơ chế), materials (nguyên liệu) và marketing (tiếp thị). 

Đây là lời khuyên của ông Preechachai Chauychoo, một nhà kinh doanh Thái Lan đã có mặt ở Việt Nam trong 15 năm qua, được đăng trên tờ Bangkok Post số ra ngày 10/12.

Nhật báo tiếng Anh của Thái Lan đang cho  đăng loạt bài viết nhằm tư vấn bí quyết kinh doanh thành công cho các doanh nghiệp Thái Lan nói riêng và nước ngoài nói chung muốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bangkok Post, ngày càng khó cho các nhà đầu tư muốn vay tiền ở địa phương (TPHCM, Việt Nam) để phát triển kinh doanh với thời hạn cho vay hạn hẹp và tỷ lệ lãi suất khá cao – 12%/năm so với 7% ở Thái Lan.

“Chi phí cho phát triển hạ tầng cao hơn khoảng 15% so với Thái Lan dẫn tới chi phí nguyên liệu thô, vận tải và văn phòng quá nóng”- ông Preechachai nói.

Cũng theo cựu cố vấn về đầu tư ở Việt Nam, đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) thường có ít lợi nhuận hơn lĩnh vực xây dựng nhà ở, nơi các doanh nghiệp đang gặt hái nhờ nhu cầu ngày càng tăng.

Ông Preechachai đề cập đến một trong những trở ngại lớn nhất cho nhà đầu tư ở Việt Nam là tình trạng thiếu lao động có kỹ năng và chi phí cao cho những nhân viên văn phòng và đội ngũ quản lý có năng lực tại địa phương.

Các nhà đầu tư thậm chí phải trả lương cho người Việt Nam cao gấp 3,5 lần so với mức họ trả cho nhân viên người Thái Lan. Vì thế, theo ông Preechachai, các nhà đầu tư Thái Lan nên đưa nhân viên người Thái Lan sang Việt Nam, bao gồm các kỹ sư dự án, giám đốc bán hàng và thậm chí cả giám đốc nhân sự.

Mặt khác, chuyên gia đầu tư Việt Nam cũng cho rằng hiệu suất lao động của đội ngũ nhân viên và quản lý người Việt Nam thấp hơn 30% so với người Thái Lan.

Cũng liên quan đến thực trạng thiếu lao động, Bangkok Post cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng thu hút lao động từ các địa phương tới TPHCM trong 10 năm qua bằng mức lương cao hơn.

Theo ông Preechachai, một số cơ sở may mặc không thể thành lập hoặc mở rộng kinh doanh ở TPHCM khi họ cần 3.000 lao động cho nhà máy, nhưng không thể tuyển được.

Chuyên gia về đầu tư Việt Nam tư vấn: “Với tình trạng thiếu lao động, cách tốt nhất là sử dụng quy trình sản xuất bán tự động hơn là phụ thuộc hoàn toàn vào lao động chân tay”.

Đối với các KCN thành công ở Việt Nam, theo chuyên gia Preechachai, chính sách khuyến khích để thu hút lao động không quan trọng bằng sự hiểu biết khi làm việc với các cấp chính quyền.

“Thêm vào đó, địa điểm là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khi cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa tương xứng. Các nhà đầu tư nên vào các KCN để kinh doanh”- Ông Preechachai nói.

Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư cũng cần khảo sát thị trường một cách cẩn trọng và tận dụng lĩnh vực quan hệ công chúng (PR) để phát triển kinh doanh vì điều này có giá trị hơn quảng cáo.

T.Đ
Theo Bangkok Post

MỚI - NÓNG