Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ

Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ
TP - Thế giới đang thay đổi từng ngày và trong xu thế toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Để tồn tại và phát triển bền vững, chúng ta buộc phải liên kết với phần còn lại của thế giới. Cách đi nhanh nhất là phải khôn khéo lựa chọn các đối tác mạnh và phù hợp để liên kết, phát triển.
Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ ảnh 1

Tác giả Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.

Công nghệ thay đổi hệ giá trị con người

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, hình thành trên nền tảng cải tiến cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như: internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, hệ thống phân tích dữ liệu lớn... Có thể thấy rằng, công nghệ đã làm thay đổi toàn diện cách tiếp cận của con người ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội... Đồng thời, nó cũng làm thay đổi hoàn toàn cách sống, làm việc, giao tiếp, thậm chí thay đổi cả hệ giá trị con người.

Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị (Microsoft và Cisco dự báo có hơn 50 tỷ thiết bị) kết nối internet, kết nối vạn vật. Tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Nhìn một cách tổng quát, thế giới của CMCN 4.0 là thế giới số; thế giới của những ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh và quốc gia thông minh. Những thành quả không thể ngờ có thể kể đến của CMCN 4.0 thời gian qua như: Uber, chỉ với phần mềm đã trở thành hãng “taxi” lớn nhất thế giới dù chẳng sở hữu một chiếc xe nào. Airbnb, hãng khách sạn lớn nhất toàn cầu nhưng không sở hữu một căn phòng nào cho thuê... Tại Mỹ, với những thành tựu của trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính Watson của IBM có thể tư vấn luật chỉ trong vài giây với độ chính xác tới 90% (con người chỉ cho độ chính xác 70%), do đó Tiến sỹ Bob Goldman - Chủ tịch Ủy ban Y tế Toàn cầu dự báo số lượng luật sư trong tương lai sẽ bị cắt giảm tới 90% so với mức hiện tại. Kinh ngạc hơn, siêu máy tính Watson còn có khả năng chẩn đoán ung thư chính xác hơn 4 lần so với y tá người; Facebook cũng có thuật toán nhận diện khuôn mặt tốt hơn cả con người. Ngoài ra, theo dự báo của Tiến sĩ Bob Goldman, năm 2018, xe tự lái sẽ xuất hiện rộng rãi trên đường công cộng. Đến năm 2020, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô sẽ bắt đầu bị khuấy đảo. Đáng chú ý, công nghệ in 3D đang ngày càng trở nên phổ biến. Riêng ở Trung Quốc, người ta đã thực hiện xong một tòa nhà 6 tầng bằng in 3D. Dự báo, tới năm 2027, 10% tất cả mọi thứ đang được sản xuất trên thế giới đều sẽ được in bằng công nghệ 3D. Người máy trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế con người trong sản xuất. 47% công việc của bạn ngày hôm nay sẽ có tỷ lệ 75% tự động trong vòng 20 năm nữa...

Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ ảnh 2 Robot giúp việc phục vụ tại các nhà hàng.

Đứng trước những biến động không ngừng của thời cuộc, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đầu tư mạnh mẽ nhân lực cho CMCN 4.0. Đơn cử như môn học lập trình được nhiều nước đưa vào chương trình đào tạo bắt buộc: Israel áp dụng từ năm 2000, ở Anh là năm 2014, Nhật Bản từ tháng 6/2016... Hay như Hoa Kỳ, từ tháng 1/2016 đã đầu tư 4 tỷ USD vào chương trình đào tạo ngành khoa học máy tính cho học sinh...

Giới chuyên gia dự báo, trong vòng 1-10 năm tới, 10 công dụng sẽ được áp dụng sớm nhất trên toàn cầu như: Dự đoán bảo trì bảo dưỡng; Tối ưu hóa sản xuất; Quản lý tự động hàng tồn kho; Giám sát bệnh nhân từ xa; Đồng hồ thông minh (trong các lĩnh vực tiện ích như điện, nước...); Cảm biến tra soát, tầm soát (nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin, xử lý dữ liệu); Lưu trữ và phân phối năng lượng; Kết nối ô tô; Quản lý phương tiện vận tải; Phản ứng nhanh với nhu cầu (áp dụng trong lĩnh vực tiện ích, tự động điều tiết nhu cầu sử dụng người dùng, ví dụ trong các khung giờ cao điểm/thấp điểm...).

Thành công của Alibaba (một tập đoàn thiên về công nghệ ở Trung Quốc) là minh chứng rõ ràng nhất cho sự vận dụng linh hoạt những thành tựu của khoa học công nghệ cùng với bộ óc của người lãnh đạo - tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc). Với suy nghĩ “Internet sẽ thay đổi thế giới và thay đổi Trung Quốc”, Jack Ma nhanh chóng đưa Alibaba.com trở thành công ty công nghệ thống trị ở Trung Quốc và đang phủ rộng ra thế giới. Năm 2016, Jack Ma dành 870 giờ để đi thăm 40 nước, gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia để mở rộng thị trường. Theo tính toán của tỷ phú này, Trung Quốc chỉ có thể cung cấp 40% thị phần trong tham vọng 1 tỷ khách hàng của Alibaba, phần còn lại phải tìm kiếm ở nước ngoài. Jack Ma tự tin, Alibaba sẽ trở thành một trong những nền kinh tế quyền lực nhất thế giới (trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới cho tới năm 2036, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản), phục vụ 2 tỷ người và giúp 10 triệu doanh nghiệp nhỏ khác giao dịch miễn phí trên các website.

Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ ảnh 3 Cỗ máy mang tên Robot tự động khâu chỉ phẫu thuật thông minh ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Bác sỹ phẫu thuật mất việc

Như Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới đúc rút: “Chúng ta đang bước vào một cuộc cách mạng công nghiệp có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau theo TỐC ĐỘ và QUY MÔ mà loài người chưa từng thấy”. Một khảo sát của Katja Grace - Future of Human Institute, cho rằng: Trí tuệ nhân tạo sẽ làm tốt hơn, con người sẽ phải lo sợ. Có thể điểm qua những dự báo đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người như: Năm 2024, dịch thuật mất việc; Năm 2027, lái xe tải mất việc; Năm 2031, người bán hàng lẻ mất việc; 2053, bác sĩ phẫu thuật sẽ chính thức mất việc; Từ 2060-2070 sẽ là thời kỳ đỉnh cao của việc máy móc thay thế con người, chúng có thể nghiên cứu toán học hay thực hiện tất cả các công việc của con người...

Thế giới thay đổi từng ngày, cả kinh tế, chính trị, văn hóa...Và, khi toàn thế giới, kể cả các cường quốc kinh tế hàng đầu buộc phải lao vào cuộc chơi đang chuyển thành bão toàn cầu này, Việt Nam không thể điềm nhiên ngồi yên được.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đã nói rằng, không đến mức phải lo ngại trước những tác động sâu sắc của CMCN 4.0, chỉ có điều tâm thế mình phải thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Ở mỗi quốc gia, vai trò của người lãnh đạo đất nước sẽ quyết định sự sống còn của họ. Đó cũng là lý do khiến Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới lo ngại: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức, chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại lớn nhất của tôi là, các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”.

Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ ảnh 4 Công nghiệp lắp ráp ô tô hiện nay hầu hết đều được thực hiện bằng Robot. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã góp phần tích cực trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và có nhiều cải cách về mặt chính sách, đặc biệt là thuế và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách đã tăng tới ngưỡng nguy hiểm, nợ xấu ngân hàng chưa được giải quyết triệt để, tài nguyên thô (khoáng sản, đất đai, lao động) đã cạn kiệt, lợi thế chi phí lao động thấp giảm dần, các nhóm lợi ích gia tăng... thách thức đối với Việt Nam vô cùng lớn. Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh ở nước ta dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ và yếu, trong khi DNNN hoạt động kém hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do các DN FDI mang lại, biểu hiện rõ nét là những DN này ngày càng lấn sân về xuất khẩu, công nghiệp dịch vụ và bất động sản...

Việt Nam đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc khiến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước ngày càng kém. Việc hội nhập quốc tế đầy thách thức trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp hơn đòi hỏi mạnh về cải cách thể chế và tăng cường nội lực, yêu cầu cao về khả năng thích ứng và cạnh tranh của cả Chính phủ lẫn DN.

Bí quyết đứng trên vai người khổng lồ ảnh 5 Robot có thể trở thành “bạn tình” của con người.

DN sẽ rất khó phát triển được nếu môi trường kinh doanh chậm cải thiện, nền tảng cạnh tranh bình đẳng chưa được thiết lập, bộ máy chính quyền chưa thực hiện thuận lợi hóa thương mại và đầu tư như nước khác đang làm... Một thống kê của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, DN vẫn phải chi phí ngoài lên đến 6-8%. Điều bất ngờ là lợi nhuận ròng của DN thường chỉ khoảng 2-3% trên tổng doanh thu, thuộc dạng tốt và rất tốt mới đạt được. Như vậy, doanh nghiệp còn đâu tiềm lực kinh tế mà cạnh tranh với hàng ngoại?

Thực tế, di sản của CMCN lần thứ 2 và 3 ở Việt Nam không nhiều, do đó chúng ta có thể dễ tiếp cận với những tiến bộ mới nhất trong CMCN lần 4 này. Lợi thế nhất cho DN Việt Nam là cả thế giới đều bước vào CM 4.0 cùng một vạch xuất phát. Tất cả như một ván cờ đang xóa hết để chơi lại, có nhiều cơ hội cho người mới vào cuộc.

Để “đón sóng” CMCN 4.0, cả Chính phủ và bộ máy chính quyền, cộng đồng DN cũng phải thay đổi để thích nghi và vận dụng hiệu quả. Trước hết, Chính phủ cần phải thay đổi tư duy quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng CMCN 4.0. Cần giải quyết những vấn đề nội tại cơ bản của nền kinh tế, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các DN, các thành phần, tạo môi trường minh bạch, khuyến khích sáng tạo, kết nối để phát triển.

Các DN cần chủ động tiếp cận hoạt động khác so với thực hiện trước đây. Đồng thời, từ bỏ việc bám vào cơ chế “xin cho”, sân sau, dựa dẫm vào luồng tiền của Nhà nước... Các DN cần định vị lại, chọn lựa cách đi đúng đắn với thế chủ động thay vì thụ động. Tạo đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ lên tầm quốc tế. Hợp tác, liên doanh, liên kết, mua bán sáp nhập với các tập đoàn, công ty mạnh để cùng nhau “Win - Win” trong thị trường rộng lớn hơn...

Vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp thành công không phải do máy móc hiện đại hay những quy định, quy trình khắt khe giám sát người lao động mà dựa trên sự cống hiến hết mình của người lao động. Họ phải làm việc bằng trái tim. Do đó, vấn đề nhân lực phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là vai trò của người quản lý, lãnh đạo, lãnh tụ. Trong xu thế toàn cầu hóa và CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, chúng ta muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải liên kết với phần còn lại của thế giới. Cách đi nhanh nhất là phải khôn khéo chọn các đối tác mạnh và phù hợp. Bí quyết là biết dựa thế kẻ mạnh.   

Giới DN và doanh nhân Việt Nam nhìn chung hiện nay kiến thức kinh nghiệm quốc tế còn giới hạn, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết các DN phát triển nhờ tận dụng cơ chế “xin - cho”, kinh doanh dựa nhiều vào “quan hệ”, kinh nghiệm cá nhân và theo cảm tính, nặng tính chất gia đình, thiếu cơ chế quản trị hiện đại, thiếu hợp tác...

Kết quả khảo sát mới đây về CMCN 4.0 của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội với 2.000 hội viên chính thức tại 19 chi hội, câu lạc bộ trực thuộc cho thấy, 85% DN tham gia thể hiện quan tâm đến cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, 79% DN chưa làm gì để đón sóng CMCN 4.0 này. Thậm chí, 76% DN chưa rõ bản chất của CMCN 4.0 là gì...

Một yếu tố vô cùng quan trọng đó chính là công nghệ. Hầu hết, các DN nhỏ và vừa Việt Nam đang sử dụng công nghệ từ những năm 1980. Số lượng DN Khoa học - Công nghệ chỉ đếm đến trên đầu ngón tay (khoảng 250 DN, chiếm 0,06% tổng số DN), chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ bình quân khoảng 0,3% (trong khi Ấn Độ 5%, Hàn Quốc 10%, Nhật Bản 50%).

Năm 2024, dịch thuật mất việc; Năm 2027, lái xe tải mất việc; Năm 2031, người bán hàng lẻ mất việc; 2053, bác sĩ phẫu thuật sẽ chính thức mất việc; Từ 2060-2070 sẽ là thời kỳ đỉnh cao của việc máy móc thay thế con người, chúng có thể nghiên cứu toán học hay thực hiện tất cả các công việc của con người...

MỚI - NÓNG