Bị tố suất đầu tư cao gấp đôi giá thị trường, cảng Quy Nhơn nói gì?

Cảng Quy Nhơn đã được thu hồi về nhà nước. Ảnh minh họa.
Cảng Quy Nhơn đã được thu hồi về nhà nước. Ảnh minh họa.
TPO - Hiệp hội đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, suất đầu tư dự án nâng cấp Bến số 1 cảng Quy Nhơn (Bình Định) quá cao so với giá thị trường. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn lập luận, dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục trình duyệt đầu tư, dự toán xây dựng trên cơ sở định mức của Bộ Xây dựng ban hành.

Giữa tháng 7 vừa qua, VAFI có văn bản do Phó chủ tịch hội Nguyễn Hoàng Hải ký, đề nghị cảng Quy Nhơn giải thích về dự toán gói thầu cung cấp cọc bê tông cốt thép dự án mở rộng Bến số 1 của cảng này.

Theo VAFI, dự toán dự án Bến số 1 cho hạng mục cọc bê tông cốt thép có đơn giá hơn 3,2 triệu đồng/1m dài, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 1,9 triệu đồng. VAFI cũng cho biết, chi tiết số lượng, đơn giá này là theo thông tin từ Cty CP Dịch vụ cảng Đại Dương (Cty Đại Dương, đơn vị tư vấn thẩm tra dự án) cung cấp.

Được biết, ông Hải hiện đồng thời là cổ đông của cảng Quy Nhơn, Cty Đại Dương đang thực hiện thẩm tra dự án mở rộng Bến số 1 theo hợp đồng với cảng Quy Nhơn do ông Hải giới thiệu.

Giải thích về vấn đề trên, Phó Giám đốc Cty CP cảng Quy Nhơn Lê Duy Dương cho rằng, dự án nâng cấp Bến số 1 mới tới giai đoạn lập dự án, xác định tổng mức đầu tư, thẩm tra và chưa được phê duyệt, chưa thông qua Đại hội cổ đông. Do vậy, dự án chưa có gói thầu, nên chưa đủ cơ sở nói dự toán dự án chênh lệch hàng chục tỷ đồng. Cũng theo ông Dương, dự toán dự án được đưa ra trên cơ sở định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.

Cũng theo ông Dương, phía Cty Đại Dương cũng khẳng định không cung cấp thông tin dự án cho truyền thông và cá nhân nào. 

“Do vậy, các thông tin VAFI đưa ra về suất đầu tư Bến số 1 cảng Quy Nhơn là không chính xác. Thông tin này còn gây hiểu lầm cho dư luận là dự án đã được phê duyệt, đang triển khai đấu thầu, gây thất thoát tài sản Nhà nước, cổ đông”, ông Dương nhận định.

Cùng với đó, lãnh đạo cảng Quy Nhơn khẳng định dự án tại cảng sẽ được thực hiện đúng quy định, đấu thầu công khai sau khi có thẩm định của cơ quan chức năng, và thông qua Đại hội cổ đông.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin ngày 13/7, vừa qua một số lãnh đạo của Cty CP cảng Quy Nhơn bị đâm đơn tố cáo tới các cấp ngành. Người tố cáo cho rằng lãnh đạo cảng này đã có sai phạm trong công tác nhân sự và đầu tư mở rộng cảng.

Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã lập đoàn kiểm tra, kết quá xác minh công bố tháng 6 vừa qua cho thấy, đa số nội dung tố cáo không có cơ sở. Tuy nhiên, theo kết luận kiểm tra, còn một số tồn tại sau thời điểm cảng Quy Nhơn được thu hồi về nhà nước, cần tiếp tục xử lý.

Từ tháng 6/2019, Vinalines đã tiếp nhận lại 75,01% cổ phần tại Cty CP cảng Quy Nhơn từ Cty Khoán sản Hợp Thành, với số tiền hơn 415 tỷ đồng. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ sau kết luật thanh tra và chỉ ra việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn chưa đúng quy định. Sau chuyển giao này, cảng Quy Nhơn chính thức về lại Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.