Bị từ chối giải cứu, tiền Đông Âu mất giá

Bị từ chối giải cứu, tiền Đông Âu mất giá
TPO - Đồng tiền của các quốc gia Đông Âu đã giảm mạnh sau khi lãnh đạo EU và các nước Tây Âu từ chối giải cứu.
Bị từ chối giải cứu, tiền Đông Âu mất giá ảnh 1

Lãnh đạo EU tại Brussels, Bỉ, đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị chi nhiều tỷ USD cho việc giải cứu nền tài chính ốm yếu của các thành viên phía đông Âu. 

Trước đó, Cao ủy chính sách tiền tệ EU ông Joaquín Almunia cho biết, EU đã cung cấp sự hỗ trợ lớn với các nước đông Âu, nhưng ông cho rằng cần phải có gói hỗ trợ thêm cho một số quốc gia mới.

Sau thông tin này, đồng euro giao dịch đêm qua tại New York đã giảm so với USD, giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,2569 USD vào rạng sáng nay. Song xem ra, điều tồi tệ hơn còn đến với các đồng tiền ngoài khu vực euro.

Chỉ số MSCI EM đại diện cho các thị trường chứng khoán đang nổi của Đông Âu cũng giảm 4% còn 88,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2003, Bloomberg News đưa tin.

Bị tác động nặng nề nhất là Hungary. Thủ tướng nước này, Ferenc Gyurcsany đã yêu cầu hỗ trợ thêm 180 tỷ euro tức 226,3 USD để phục hồi kinh tế. Sau khi bị từ chối, đồng forint của Hungary giảm 2,9% so với euro, 1 euro đổi được hơn 308 forint. 

Hàng loạt các quốc gia khác trong vùng như Latvia, Bulgaria và Romania cũng đang trải gia thời kỳ khó khăn, tín dụng đóng băng, đồng nội tệ yếu và đầu tư nước ngoài giảm trong thời gian gần đây.

Trước đó hồi tháng 12, Hungary đã nhận hỗ trợ khoản vay 15,7 tỷ USD từ IMF. Ngoài ra, Hungary cũng đã nhận thêm 8,4 tỷ USD từ EU và 1,3 tỷ USD từ World Bank. 

Mặc dù Hungary nói rằng còn nhiều chính phủ khác tại Trung và Đông Âu cần sự hỗ trợ, nhưng các quan chức Ba Lan, CH Séc, Estonia, Slovenia và Slovakia khẳng định rằng họ không có liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng mà Hungary đang phải trải qua. 

Một trong những lý do chính mà các quốc gia như Ba Lan, CH Séc, Slovenia và Slovakia chưa rơi vào tình trạng khó khăn là nhờ sự thay đổi tức thời trong ngân sách và các chương trình xã hội.

Tính đến năm 2008, nợ nước ngoài quá hạn của Hungary so với GDP đã tăng lên 106% so với mức 50% năm 2001. Trong 5 năm gần đây, thay vì đi vay thế chấp bằng tiền nội tệ, Hungary lại đi vay bằng tiền franc Thụy Sĩ.

Tuấn Đức
Theo Bloomberg/AP

MỚI - NÓNG