Bình ổn thị trường lúa gạo: Hỗ trợ cả đầu vào, đầu ra

Bình ổn thị trường lúa gạo: Hỗ trợ cả đầu vào, đầu ra
TP - Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án Chính sách hỗ trợ của Nhà nước bình ổn giá thị trường lúa, gạo ở Việt Nam. Mục tiêu là để người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%, không bỏ nghề nông.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hằng năm có sản lượng lúa hàng hóa 9 - 10 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Trong 3 vụ lúa ở vùng này, vụ đông xuân chất lượng lúa tốt, thời điểm thu hoạch thường là lúc nhu cầu thế giới cao, nên giá bán thường cao và lợi nhuận của người sản xuất cũng cao hơn vụ khác. Riêng vụ hè thu giá lúa thường giảm trong khoảng 3 tháng (8,9,10) do chất lượng lúa kém hơn, nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm nên mức lãi của người sản xuất đạt thấp. Cả năm 2008 và 2009, ở nhiều vùng dân trồng lúa chỉ đạt lợi nhuận dưới 30% so với giá thành.

Bên cạnh đặc điểm trên, việc mua, bán lúa hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm đáng chú ý: Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tổ chức mạng lưới mua trực tiếp được khoảng 20% lúa của dân, 80% còn lại mua qua trung gian và lực lượng này luôn ép giá, vì vậy lợi nhuận của người sản xuất luôn bị giảm sút.

Theo Bộ Tài chính, thực trạng trên khiến người sản xuất không yên tâm vì tiếp tục đầu tư có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản. Trong quá trình kinh doanh người trồng lúa cũng nhận biết được điều đó nhưng dù họ cố gắng cũng không thể tự khắc phục để giảm thiểu sự tác động bất lợi của thị trường.

Cách nào đảm bảo nông dân lãi 30%?

Bộ Tài chính đề xuất: Hỗ trợ cho người sản xuất bằng nhiều chính sách, trong đó kết hợp cả trực tiếp và gián tiếp, thực hiện hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra.

Cụ thể hơn: về hỗ trợ tác động đến giá đầu vào, Bộ đề xuất chọn phương án hỗ trợ lãi suất 100% cho nông dân vay vốn ngân hàng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trồng lúa vụ hè thu trên phạm vi cả nước. Tránh rủi ro cho Nhà nước như nợ xấu, mất vốn…có thể tiến hành song song các giải pháp như: Điều hòa cung cầu vật tư đầu vào của sản xuất thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá đối với các loại phân hóa học, một số loại thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện…

Trường hợp đặc biệt cơ quan chức năng có thể: Quy định khung giá đối với một số vật tư cơ bản, kiểm soát tồn kho khi có dấu hiệu đầu cơ, kiểm soát các yếu tố hình thành giá; Tiếp tục ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí như hiện hành, giữ mức thuế nhập khẩu ưu đãi (0% - 5%) đối với các loại máy móc trong nước chưa sản xuất được như: máy cày, máy bóc vỏ trấu, máy xát gạo; xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Về phương án hỗ trợ tác động đến giá đầu ra của sản phẩm giúp nông dân có lãi tối thiểu 30%, có thể thực hiện theo hướng: Doanh nghiệp mua lúa theo giá sàn được sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch giữa giá sàn và giá thị trường, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tạm trữ và bù đắp chênh lệch lỗ khi giá xuất khẩu thấp hơn giá vốn.

Để người sản xuất thực sự được thụ hưởng lợi do chính sách mang lại, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp xuất khẩu phải mua lúa trực tiếp của nông dân.

Với các doanh nghiệp chưa tổ chức được mạng lưới để mua tại nhà người sản xuất thì doanh nghiệp sẽ công bố 2 loại giá ở 2 địa điểm mua khác nhau, gắn với tiêu chuẩn chất lượng của lúa để người sản xuất lựa chọn nơi bán tránh tình trạng bị trung gian ép giá.

Cụ thể, công bố mua lúa tại nhà nông dân với mức giá bù đắp chi phí sản xuất và có lãi 30% so với giá thành hoặc công bố giá mua lúa tại cửa kho của doanh nghiệp (hoặc nơi mua tập trung) với mức giá bằng giá mua tại nhà của người sản xuất cộng thêm chi phí vận chuyển (tính bình quân) đến địa điểm bán.

Lập Quỹ bình ổn giá lúa gạo

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thành Quỹ bình ổn giá lúa gạo với đề xuất Quỹ được hình thành từ nguồn thu một phần lợi nhuận trước thuế từ lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp và một phần từ các nguồn khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. 

MỚI - NÓNG