Bình Thuận: Mành cờ mía “đi”... Tây!

Bình Thuận: Mành cờ mía “đi”... Tây!
Có một người đã nghĩ ra cách sử dụng cọng cờ mía để sản xuất hàng xuất khẩu, và những tấm mành cọng cờ mía đã góp phần trang trí những ngôi nhà bê tông cốt thép tận trời Tây.
Bình Thuận: Mành cờ mía “đi”... Tây! ảnh 1
Công nhân kiểm tra mành trước khi xuất khẩu

Vào khoảng tháng 9 hàng năm, trên các cánh đồng xã Tân Hà, Tân Minh (Hàm Tân) xuất hiện làn sóng trắng rập rờn. Đó là lúc mía trổ cờ. Khi thu hoạch mía, cây cờ lau cùng phần ngọn, lá mía được đốt dọn để làm phân.

Thế nhưng có một người đã nghĩ ra cách sử dụng cọng cờ mía để sản xuất hàng xuất khẩu, và những tấm mành cọng cờ mía đã góp phần trang trí, đưa vẻ đẹp mộc mạc của thiên nhiên vào những ngôi nhà bê tông cốt thép tận trời Tây.

Giám đốc DNTN Trúc Mai Mai Đức Chương kể: “Tiền thân của doanh nghiệp là Tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 8 tháng 3 xã Tân An – Hàm Tân. Mấy năm đầu thập kỷ 1990, loại hàng mành treo cửa, giỏ… đan bằng lá buông (cây buông mọc hoang ở vùng rừng Hàm Tân gọi là rừng Lá, có hình dáng như cây quạt, cho búp lá; tách búp lá ra phơi nắng sẽ được loại lá buông mềm và dai) không còn thị trường Đông Âu nên Tổ hợp gần như giải thể.

Năm 1994, đại diện một Cty chuyên kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp tại Pháp đặt quan hệ làm ăn, nên năm 1995 tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân. Thời gian này tôi xuất hàng đi Pháp, Đức từ 20.000 - 30.000 sản phẩm/năm, trị giá cả 100.000 USD.

Nhưng từ 1997 đến 2002 chỉ xuất khoảng vài chục ngàn USD/năm vì khủng hoảng tài chính thế giới, rồi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ hơn, tuy mẫu mã và chất lượng tương đương. Vào tháng 9/2002, tình cờ đi ngang vùng mía Tân Minh bạt ngàn lau trắng, tôi biết là mình đã có kho nguyên liệu vô tận…”.

Cọng cờ mía lớn nhỉnh hơn chiếc đũa, thẳng và dài từ 80 - 120 cm. Sau khi phơi nắng, xông thuốc để giữ màu vàng chanh nguyên thuỷ, cọng cờ mía được tiện thành đoạn ngắn và kết nối bằng chỉ, tạo thành bức mành kích cỡ ngang 90 cm, cao 200 cm với hơn 10 mẫu hoa văn. Theo anh Chương, giá mua cọng cờ mía tại cơ sở là 5.000 đồng/kg, và chỉ mới tiêu thụ từ 2 – 3% cọng cờ mía ở vùng nguyên liệu Tân Minh.

Năm 2004, ngoài 10.000 bức mành lá buông và 5.000 bức mành nhựa gia công, DNTN Trúc Mai còn xuất sang Pháp, Đức, Mỹ, Nhật 20.000 bức mành cọng cờ mía, đạt giá trị tổng cộng 130.000 USD. Giá xuất mành cọng cờ mía là 2 USD/mành, mành lá buông là 3 USD/mành.

“Đắt hàng thì là quế, ế hàng thì là rác” – anh Chương ví von về nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ của mình bằng các loại nguyên liệu rẻ tiền, dân dã sau 20 năm trải qua bao thăng trầm nghề nghiệp, có lúc tưởng chừng phải từ giã niềm đam mê sáng tạo mẫu mã, tìm tòi nguyên liệu mới và thị trường tiêu thụ khó tính.

 Hiện tại, DNTN Trúc Mai đã đứng được trên thương trường hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nhờ lòng kiên trì, đam mê và sáng tạo của chủ doanh nghiệp Mai Đức Chương; tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ ở một vùng quê. 

MỚI - NÓNG
Lý Hải vượt Thái Hòa
Lý Hải vượt Thái Hòa
TPO - "Lật mặt 7: Một điều ước" được kỳ vọng vực dậy doanh thu phòng vé Việt trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Ngay từ những suất chiếu sớm, tác phẩm đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía khán giả.