Bịt lỗ hổng để vốn ODA không bị tham nhũng

Bịt lỗ hổng để vốn ODA không bị tham nhũng
TP - Các nhà tài trợ đang quan tâm 2 vấn đề: Chính phủ sẽ xử lý tham nhũng thế nào; chỉnh sửa Nghị định 17 về quản lý sử dụng ODA ra sao để vốn vay không “chảy” vào túi quan tham.

Hiện Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Nghị định 17 sửa đổi lên Chính phủ. Trao đổi với Tiền Phong, GS-TS Nguyễn Mại-Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng cho hay, nhóm chuyên gia cao cấp đã thẩm định nghị định này.

Hai vấn đề được đặt ra trong quản lý và sử dụng ODA sẽ được đề cập đến là trách nhiệm của các bộ về quản lý ra sao? Liệu tình trạng các bộ đổ lỗi cho nhau khi xảy ra sự cố như PMU 18 có còn tiếp diễn?

Nghị định sửa đổi lần này nhấn mạnh thêm vai trò của Bộ KH&ĐT với tư cách cơ quan đầu não trong quản lý ODA: “Bộ KH&ĐT giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về ODA” với hàng loạt các quy định cụ thể. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao…cũng được quy định rõ.

Theo các chuyên gia, ngay ở Nghị định 17 chưa sửa đổi, trách nhiệm của các bộ về quản lý ODA đã rất rõ ràng, nhưng khi thực hiện thì nhiều “lăn tăn”. Việc sửa đổi Nghị định 17 lần này, vấn đề trách nhiệm các bộ được đặt ra rõ ràng hơn, các nhà tài trợ trông chờ một sự rõ ràng và tính thực thi cao.

Theo ông Hoàng Phước Hiệp-Vụ trưởng Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), việc quản lý nguồn vốn có yếu tố nước ngoài hiện nay được quy định cả ở Luật Ngân sách và cụ thể ở Nghị định 17. Việc sửa đổi phải đối chiếu giữa 2 văn bản luật này mới tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Theo ông Hiệp, khi PMU 18 xảy ra tiêu cực trong sử dụng ODA thì các bộ quản lý vốn ODA đương nhiên có trách nhiệm do buông lỏng quản lý. Nếu theo Luật Ngân sách thì cả ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội cũng thiếu trách nhiệm giám sát chứ không chỉ các bộ.

Quan trọng nhất là kiểm tra, giám sát

Hầu hết các dự án sử dụng ODA để xây cầu đường thời gian qua đều phải bổ sung vốn. Đây là kẽ hở của tiêu cực. Để “khóa tay” các chủ dự án, nghị định mới sửa đổi đã xóa bỏ quy định thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung nội dung dự án làm thay đổi tổng vốn quá 500.000 USD.

Quy định: Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức thẩm định và trình Chính phủ trường hợp điều chỉnh nội dung dự án làm “đội” chi phí quá 1 triệu USD…cũng đã được thay thế. Chính phủ sẽ quyết định mọi trường hợp điều chỉnh, bổ sung nội dung dự án, thay đổi kết quả vượt tổng vốn vay ODA bằng ngoại hối đã phê duyệt.

Nghị định mới cũng buộc các dự án, chương trình phải đấu thầu theo quy định của điều ước quốc tế cũng là nội dung mới ngăn chặn tình trạng chỉ định, thông thầu dễ gây thất thoát.

Quy định về theo dõi, đánh giá dự án cũng khác trước; đặc biệt sẽ có thêm hình thức đánh giá đột xuất để chống đối phó, phát hiện sai phạm kịp thời hơn. Đánh giá tác động của công trình đối với phát triển KT-XH cũng sẽ tiến hành trong vòng 3 năm thay vì 5 năm như trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Kyoshiro Ichikawa-chuyên gia cao cấp về đầu tư  của JICA (Nhật Bản) thì việc sửa đổi chính sách liên quan đến thu hút vốn ODA cần coi trọng tính hệ thống.

Ông Ichikawa nói, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải đặc biệt coi trọng hoạt động thanh kiểm tra, bởi nếu làm mà không kiểm tra thì cũng bằng không. Vụ PMU 18 xảy ra một phần do yếu khâu kiểm tra, giám sát…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.