Bộ Công Thương quyết giữ Thông tư 20 có lợi cho “đại gia”

Bộ Công Thương quyết giữ Thông tư 20 có lợi cho “đại gia”
TPO - Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8, Bộ Công Thương khẳng định Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính và cần phải tiếp tục duy trì đến khi có quy định mới. Bộ Công Thương cũng đá bóng đề nghị giao Bộ GT-VT phối hợp xây dựng các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20.

Phải giữ vì người tiêu dùng?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết đã tổ chức họp để xin ý kiến các bộ, ngành, VCCI, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu, phân phối ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống về việc bỏ hay nên giữ Thông tư được xây dựng với mục đích ban đầu nhằm giúp kiềm chế nhập siêu này. Bộ Công Thương cũng khẳng định đã tập hợp, nghiên cứu nghiêm túc ý kiến của người dân và DN về vấn đề này.

Cũng theo bộ này, trước thời điểm Thông tư 20 được ban hành, ở Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi nhưng không được triệu hồi ở Việt Nam. Trước thực trạng bất hợp lý này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 20 vào ngày 12/5/2011.

Theo đó, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (loại chưa qua sử dụng) khi làm thủ tục nhập khẩu phải có giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó. Ngoài ra phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GT-VT cấp.

Văn bản của bộ này cũng cho rằng Thông tư 20 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" (khi ban hành Bộ Công Thương khẳng định Thông tư 20 là nhằm giúp kiểm soát nhập siêu).

“Mục đích ban hành Thông tư 20 đã được thể hiện rõ tại phần đầu của Thông tư, đó là "nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ. Toàn bộ nội dung Thông tư cũng cho thấy mục đích này khi yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng (NTD) về việc bảo hành xe và với tư cách là nhà nhập khẩu, phân phối được nhà sản xuất ủy quyền hoặc chỉ định, phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định, thí dụ như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất”, Bộ Công Thương khẳng định trong văn bản.

Về những ý kiến cho rằng Thông tư 20 là điều kiện đầu tư kinh doanh và Bộ Công Thương giữ lại nhằm gây khó dễ doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ và vừa không có quyền nhập khẩu chính hãng, đại diện Bộ này cho rằng, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

“Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh” bởi không can thiệp vào việc "bỏ vốn đầu tư" để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ô tô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ô tô. Nói cách khác, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền "bỏ vốn đầu tư" thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20. Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm mục tiêu quản lý”, Bộ Công Thương lý giải.

Thậm chí bộ này còn dẫn chứng việc nhập khẩu mặt hàng hoa quả cũng phải cần có một số giấy tờ nhất định thì mới có thể thông quan để bảo vệ cho việc giữ Thông tư 20. “Khi nhập khẩu hoa quả từ nước ngoài, thương nhân nhập khẩu sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan nếu không xuất trình được một số giấy tờ nhất định. Từ trước tới nay, yêu cầu này không bị coi là điều kiện đầu tư kinh doanh hoa quả, cũng không bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh hay bất kỳ luật nào khác của Việt Nam”, Bộ Công Thương dẫn chứng và khẳng định đây chỉ là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh. Theo đó, Thông tư 20 không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc người tiêu dùng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó.

“Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Thông tư này được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và qua 5 năm thực hiện, đã chứng minh được tác dụng của mình, triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với người tiêu dùng và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô”, Bộ Công Thương khẳng định và cũng không hề đánh giá hay cung cấp thông tin gì liên quan đến mục tiêu giảm nhập siêu như khi đề xuất áp dụng Thông tư 20.

Tự đề xuất giao cho Bộ Công Thương tiếp tục quản lý

Trong văn bản của mình Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. Cùng đó, giao Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép được giữ quyền bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GT-VT ban hành chính thức có hiệu lực.

MỚI - NÓNG