Bộ Công Thương vào cuộc vụ Vinasun dán khẩu hiệu tố Uber, Grab

Bộ Công Thương vào cuộc vụ Vinasun dán khẩu hiệu tố Uber, Grab
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra xem liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi nhiều taxi Vinasun dán khẩu hiệu phía sau xe với nội dung: “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”.
Bộ Công Thương vào cuộc vụ Vinasun dán khẩu hiệu tố Uber, Grab ảnh 1

Tài xế taxi Vinasun gỡ bỏ biểu ngữ phản đối Uber, Grab. Ảnh FB.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã nắm được thông tin nhiều taxi Vinasun có dán khẩu hiệu phía sau xe với nội dung: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” và “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

Theo ông Hải, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc trên. Đặc biệt Cục sẽ kiểm tra xem liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh cũng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

“Điều 43 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Hiện Cục Quản lý Cạnh tranh đang thu thập thông tin của các bên và sẽ có báo cáo chính thức. Hiện chưa thể kết luận ngay”, ông Hải cho hay.

Trong chiều 9/10, Sở GTVT TPHCM đã yêu cầu Vinasun chỉ đạo ngay toàn bộ tài xế gỡ bỏ biểu ngữ phản đối Uber và Grab đã dán trên xe taxi của hãng này.

Việc nhiều tài xế Vinasun cho dán các khẩu hiệu trên xe của hãng, theo các chuyên gia, đây là việc là cho thấy sự suy yếu của taxi truyền thống trước sự thay đổi mạnh mẽ của các hãng taxi công nghệ. Các hãng taxi truyền thông thay vì thực hiện các thay đổi trong quản trị, điều hành cũng như tối ưu hóa hoạt động của các xe, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng cũng như điều chỉnh giá cước taxi cho phù hợp lại quay tấn công lại bằng cách công khai nói xấu đối thủ.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nhìn nhận lại một cách khách quan, taxi truyền thống gần như không có sự đầu tư, đổi mới, cải tiến khi Uber và Grab xuất hiện. Thực tế việc ứng dụng smartphone để biết định vị của xe đã xuất hiện hàng chục năm. Một số tài xế đã sử dụng công cụ này. Các hãng taxi lớn của Việt Nam và trên thế giới dư tiềm lực đầu tư nhưng họ không làm trong khi taxi truyền thống vẫn duy trì hệ thống tổng đài cũ kỹ, lại thêm chuyện tranh giành khách cho thấy sự chậm chạp ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển.

“Khi Uber, Grab xuất hiện, taxi truyền thống mới chuyển động và ứng dụng theo. Như vậy, taxi truyền thống phải tự trách chính mình. Trong kinh tế thị trường doanh nghiệp phải luôn làm mới mình, làm tốt hơn đối thủ. Khi có một thách thức mới, đối thủ mới thì mình phải chuyển động, song song đó phải làm tốt mình hơn nữa”, ông Hiển nói.

Trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội ước tính theo số liệu tự thu thập được, Uber và Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài mỗi năm, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.

Trước những cáo buộc của Hiệp hội Taxi Hà Nội, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho rằng, việc đưa ra thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ thuế của Grab Việt Nam mà không có bằng chứng và căn cứ xác đáng là hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến uy tín Công ty cũng như các đối tác kinh doanh chân chính của doanh nghiệp. Grab Việt Nam luôn nỗ lực tối đa tuân thủ các chính sách thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, có chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam.

“Chúng tôi khẳng định luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình, việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, trong khuôn khổ Đề án thí điểm, Grab Việt Nam còn hỗ trợ cho các đối tác vận tải trong việc kê khai, nộp thuế hàng tháng. Cơ chế phối hợp này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý thuế của Nhà nước, chống thất thu thuế”, bà An cho hay.

Đại diện Grab cũng khẳng định, về chất lượng dịch vụ, Grab hoạt động với phương châm mang lựa chọn di chuyển thuận tiện, an toàn và tiết kiệm đến với người dân, đồng thời luôn cam kết nâng cao tính an toàn và trải nghiệm trên mỗi chuyến xe: - Kiểm tra đầu vào đối tác tài xế nghiêm ngặt: Đối tác tài xế bắt buộc phải vượt qua thủ tục kiểm tra đầu vào nghiêm ngặt. Ngoài ra, đối tác phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về quy định lái xe an toàn và quy tắc ứng xử do Grab phối hợp với công ty, hợp tác xã vận tải tổ chức… Sau khi hoàn tất các thủ tục bắt buộc và chương trình tập huấn, người đăng ký mới chính thức được trở thành đối tác tài xế Grab để đưa đón hành khách.

Hồi giữa năm 2015, tại đại hội cổ đông của Vinasun, ông Tạ Long Hỷ (khi đó là Phó tổng giám đốc thường trực của Vinasun) cho hay, để gia tăng sự cạnh tranh cũng như cung cấp tới người dùng cả cao cấp lẫn phổ thông những tiện ích mới, giá cước rẻ, Vinasun vừa cho ra đời ứng dụng gọi xe taxi - Vinasun App chạy được trên tất cả các hệ điều hành. Khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về xe, tài xế, giá cả, giờ đón… Trước mắt, công ty sẽ thử nghiệm tại các địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Nha Trang… Còn tại TP HCM sẽ chính thức triển khai đồng loạt vào giữa tháng 5 hoặc cuối tháng 6.

“Phần mềm này đủ khả năng cạnh tranh, thậm chí còn tốt hơn Uber vì chúng tôi đưa ra một ứng dụng đơn giản cho mọi tầng lớp, ngay cả những người không có điện thoại thông minh. Cụ thể, khách hàng không có smart phone sẽ gọi đến tổng đài, bộ phận trực này sẽ kết nối với App rồi chuyển lại thông tin chi tiết cần thiết qua tin nhắn cho khách hàng. Dự báo, doanh số từ ứng dụng này sẽ giúp công ty tăng trưởng mạnh, giá cước cho người dùng cũng sẽ cạnh tranh hơn”, ông Hỷ nói.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.