Dịch vụ tiền cọc, tiền mua cổ phần:

Bỏ 'độc quyền' này, chọn 'độc quyền' khác- HoSTC bị phản ứng

Bỏ 'độc quyền' này, chọn 'độc quyền' khác- HoSTC bị phản ứng
TP - Thông báo đột ngột của TTGDCK TPHCM (HoSTC) yêu cầu các đại lý tham gia đấu giá cổ phần chuyển tiền cọc, tiền mua cổ phần của các đợt đấu giá từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sang NH Sacombank đã bị BIDV phản ứng dữ dội.

Lập tức BIDV gửi kiến nghị lên tận Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN... và theo như Tổng GĐ BIDV Trần Bắc Hà thì “Việc thay đổi ngân hàng phục vụ đột ngột, áp đặt của HoSTC gây tâm lý xáo trộn với nhà đầu tư, các đại lý đấu giá.

Đây là một việc làm thiếu tính hợp tác, không minh bạch, có dụng ý không tốt”.

Theo quy trình đấu giá cổ phần, để tham gia đấu giá cổ phần ở các Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, nhà đầu tư phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm vào tài khoản của đại lý đấu giá.

BIDV và HoSTC đã thoả thuận tiền đặt cọc chuyển vào tài khoản của HoSTC tại một chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1 TPHCM) của BIDV.

Suốt 2 năm qua, BIDV chưa hề mắc sai sót đáng kể nào và việc thanh toán cũng suôn sẻ.

Nhưng ngày 1/8, HoSTC gửi thông báo có hiệu lực ngay lập tức tới các đại lý tham gia đấu giá cổ phần, yêu cầu chuyển tiền cọc, tiền mua cổ phần của các đợt đấu giá về tài khoản mở tại Sở Giao dịch TPHCM Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Để phục vụ tốt khách hàng và đảm bảo cho các đợt đấu giá thành công, BIDV đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện công việc trên. Lãnh đạo BIDV khẳng định:

“Nay HoSTC chọn ngân hàng khác sẽ gây lãng phí lớn cho Nhà nước. Hơn nữa HoSTC không hề bàn bạc hay thông báo gì với chúng tôi. Họ phải nghĩ đến thời điểm các thị trường còn ế ẩm, chúng tôi đã phải làm mọi cách để giữ uy tín cho các bên tham gia”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng của các đợt IPO lớn (tiền đặt cọc IPO Bảo Việt lên đến trên 6000 tỷ đồng) luôn được các ngân hàng khác xem là món lợi béo bở và tìm cách “chia phần” với BIDV.

Ngân hàng nào nắm được khoản tiền này với thời gian có khi lên đến cả tháng trời, dù mang danh là tài khoản “đóng” nhưng việc cho vay ngắn hạn như nghiệp vụ cho vay qua đêm sẽ đem lại lợi nhuận không ít cho ngân hàng.

Chưa kể uy tín và thương hiệu của NH được HoSTC uỷ quyền sẽ đựoc nâng cao, quan hệ tín dụng với nhà đầu tư, tổ chức đấu giá, Cty đấu giá... cũng là nguồn lợi đáng kể.

Với những lý do trên thì cũng không có gì lạ khi BIDV cho rằng HoSTC “thiếu tính hợp tác, thiếu minh bạch, không có dụng ý tốt”.

Càng khó hiểu hơn khi giữa HoSTC và BIDV chưa phát sinh mâu thuẫn đến độ phải “đường ai nấy đi” mà HoSTC lại “cắt đứt” ngay trong thời điểm nhạy cảm với nguồn tin có ngân hàng khác đang “vận động” để được thay thế BIDV.

Dư luận còn đặt câu hỏi: Dựa vào đâu Sacombank được chọn khi mà chưa có đánh giá nào cho rằng họ “tốt” hơn BIDV?

Về phần mình, Giám đốc HoSTC Trần Đắc Sinh cho báo giới biết, HoSTC có quyền chọn ngân hàng để mở tài khoản đấu giá cổ phần và không phải xin phép về chuyện thay đổi tài khoản đấu giá cổ phần.

HoSTC cũng sẽ trở thành Sở GDCK TPHCM (HOSE) từ 1/8, tách khỏi UBCKNN và trở thành một đơn vị hoạt động độc lập nên họ có quyền chọn NH nào tuỳ ý.

MỚI - NÓNG