Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo “bẫy” quảng cáo ảo condotel

TP - Các chuyên gia của Bộ KH&ĐT cảnh báo rằng, quảng cáo về loại hình condotel khiến người mua nhà có thể rơi vào bẫy của chủ đầu tư.

Thổi phồng lợi nhuận

Trước những tranh luận về cấp sổ đỏ cho condotel, ngày 4/4, Bộ KH&ĐT tổ chức tọa đàm giữa các chuyên gia về vấn đề này. Mở đầu tọa đàm, ông Ngô Văn Giang, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch (Bộ KH&ĐT) kể câu chuyện cá nhân. Năm 2016, ông Giang nhận được điện thoại, mời chào mua condotel ở Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo lời quảng cáo của chủ đầu tư, khách hàng chỉ cần bỏ ra hơn 1 tỷ đồng sẽ mua được căn hộ có diện tích 30 m2 với cam kết lợi nhuận trên 10%/năm. Hằng năm, khách hàng được sinh hoạt, sử dụng hơn 10 ngày căn nhà của mình. Tương lai, condotel được cấp sổ hồng…

“Tôi đã suýt mua condotel nhưng rất may, khi đó biết sự kiện khách hàng mua condotel ở Khánh Hòa biểu tình vì bị phá vỡ cam kết, chủ đầu tư không trả lợi nhuận, tôi đã kịp dừng lại không đầu tư”, ông Giang kể lại.

Sau sự việc trên, ông Giang đã tìm hiểu thêm về condotel tại Việt Nam. Dù condotel là xu hướng đầu tư giúp khách hàng được sở hữu phong cách sống mới, cao cấp hơn nhưng tồn tại khá nhiều bất cập. Đặc biệt, khách hàng cần cẩn trọng để không vướng bẫy quảng cáo của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cam kết mua condotel có sổ hồng nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cho phép cấp sổ hồng cho condotel. Không có sổ hồng, khách hàng sẽ khó chuyển nhượng hay thế chấp condotel. Trong bối cảnh kinh doanh khách sạn khó khăn, tốn nhiều chi phí, lợi nhuận condotel 10-12%/năm như chủ đầu tư quảng cáo rất khó đảm bảo.

“Một căn condotel khoảng 50-60 triệu đồng/m2, giá gấp 1,5 – 2 lần của căn chung cư cao cấp cùng vị trí. Phải chăng nhà đầu tư dùng số tiền chênh lệch bán căn hộ để trả lợi nhuận cho khách hàng trong những năm đầu?”, ông Giang đặt nghi vấn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp (Viện Chiến lược phát triển - Bộ KH&ĐT) cho rằng, condotel tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ khi rót tiền do nhu cầu thuê condotel không cao như dự kiến.

Ông Hà cho rằng, với các nước đang phát triển như Việt Nam, chủ đầu tư gặp rủi ro về cam kết lợi nhuận. Chủ đầu tư thường thổi phồng lợi nhuận so với doanh thu thực tế. Như trường hợp của chủ đầu tư khách sạn Bavico tại Khánh Hoà  sử dụng căn hộ của khách hàng để kinh doanh du lịch nhưng không trả tiền hợp tác kinh doanh như trong hợp đồng ký kết giữa 2 bên vào năm 2016.

Bên cạnh đó, condotel tiềm ẩn rủi ro về pháp lý bởi chưa có đơn vị việc kiểm soát giao dịch giữa chủ đầu tư và người mua. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền và trốn thuế. Khung pháp lý về sở hữu, đánh thuế còn nhiều khoảng trống dễ dẫn đến khiếu kiện giữa các bên.

“Nguy cơ bong bóng bởi nhiều condotel nước phát triển đã xảy ra, trong khi Việt Nam khả năng quản lý kém hơn các nước khác”, ông Hà cảnh báo.

Rủi ro condotel ở nước ngoài

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Tú Thành, mối quan hệ giữa chủ đầu tư, bộ ngành quản lý chưa rõ ràng, người đầu tư không được đảm bảo quyền lợi. Nhiều dự án chủ đầu tư condotel lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của khách hàng tại Việt Nam.

“Nhà đầu tư cần minh bạch thông tin hơn với khách hàng chứ không phải cách làm ăn chộp giật như hiện nay”, ông Thành cảnh báo.

Các chuyên gia của Bộ KH& ĐT chỉ ra các rủi ro của loại hình condotel ở nước ngoài. Tại Mỹ, condotel bùng nổ vào năm 1980, trong đó đi đầu là thương hiệu Marriott, sau này là các thương hiệu khác như Hilton, Melia… Sau khi bị đánh thuế cao, condotel tại Mỹ giảm dần xuống và chuyển hướng đầu tư sang Australia nhằm né thuế. Vào đầu những năm 1990, condotel tiếp tục gây ra bong bóng bất động sản tại Australia.

Đến cuối những năm 1990, condotel tiếp tục hồi sinh tại Miami, tiêu biểu là trường hợp Mutiny. Tuy nhiên, đến khủng hoảng kinh tế Mỹ vào năm 2007, condotel tiếp tục bị suy thoái, điển hình như dự án Canyon Ranch Miami Beach do Lehman Brothers sở hữu.

Condotel tiềm ẩn rủi ro về pháp lý bởi chưa có đơn vị việc kiểm soát giao dịch giữa chủ đầu tư và người mua. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền và trốn thuế. Khung pháp lý về sở hữu, đánh thuế còn nhiều khoảng trống dễ dẫn đến khiếu kiện giữa các bên.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.