Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Điều chỉnh tỷ giá là 'đúng đắn'

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Điều chỉnh tỷ giá là 'đúng đắn'
TPO - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc điều chỉnh tăng và nới rộng biên độ dao động của tỷ giá ngoại tệ là giải pháp đúng đắn, phù hợp để giảm tác động tiêu cực của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, cũng như hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu.

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch năm 2016 với Thường vụ Quốc hội vào sáng nay 12/10, Bộ KH&ĐT cho biết, nền kinh tế trong nước đã phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 909,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,2%).

Liên quan tới việc xử lý tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Bộ KH và ĐT cho biết, ngay sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD. Sau các lần điều chỉnh  tỷ giá và nới biên độ, so với cuối năm 2014, đồng tiền nước ta đã giảm giá khoảng 5% so với USD, tương đương với giảm giá của đồng nhân dân tệ.

Theo Bộ KH&ĐT, việc điều chỉnh tăng và nới rộng biên độ dao động của tỷ giá ngoại tệ là giải pháp đúng đắn, phù hợp để giảm tác động tiêu cực của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, cũng như hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, do tác động tâm lý nên đã xảy ra hiện tượng tỷ giá tăng kịch trần cho phép, có ảnh hưởng đến lãi suất ở một số thời điểm. Bên cạnh đó, sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ cộng với diễn biến rối loạn trước đó của thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 9/10 phiên giảm điểm (riêng ngày 24/8 thị trường đã giảm 5,28%).

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Do vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng.

Còn gặp nhiều khó khăn

“Việc phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khẩu có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, nhưng tác động không lớn”, báo cáo do Bộ trưởng Bộ KH& Đầu Tư Bùi Quang Vinh ký ban hành, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc phá giá đồng Nhân dân tệ và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc cùng với những khó khăn thách thức khi nền kinh tế đi vào hội nhập sâu, sẽ còn ảnh hưởng và tác động tiêu cực nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có giải pháp ứng phó.

“Tình trạng giảm đà tăng trưởng, chứng khoán lao dốc và động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới, nhất là các nước có quan hệ thương mại và đầu tư lớn với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam”, Bộ KH&ĐT đánh giá về diễn biến tình hình trong năm 2016. Bên cạnh đó, những khó khăn đối với sự phát triển kinh tế còn rất lớn khi giá dầu thô và giá nông sản thế giới giảm thấp.

Đặc biệt sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của nước ta vào thị trường này, trong điều kiện nhập siêu lớn với Trung Quốc. Ngoài ra việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA tạo ra những điều kiện quan trọng trong phát triển nhưng cũng gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh đó, các mục tiêu chủ yếu trong năm 2016 là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

MỚI - NÓNG