Bộ KH&ĐT thừa nhận 5 thiếu sót trong quản lý ODA

Bộ KH&ĐT thừa nhận 5 thiếu sót trong quản lý ODA
TP - Ngày 11/4/2006, Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ về trách nhiệm quản lý vốn ODA của Bộ, sau khi hàng loạt các dự án giao thông dùng vốn ODA bị PMU 18 của Bộ GTVT rút ruột, tham ô…
Bộ KH&ĐT thừa nhận 5 thiếu sót trong quản lý ODA ảnh 1
Ông Võ Hồng Phúc - bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư. (Tuổi trẻ).

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh-người trực tiếp quản lý và theo dõi về lĩnh vực ODA được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giao trả lời một số PV báo chí đã ký văn bản này gửi đồng thời đến một số báo (trong đó có Tiền Phong) thay vì trả lời trực tiếp.

Theo ông Sinh, ngay từ năm đầu tiếp nhận ODA, Chính phủ đã cam kết với cộng đồng tài trợ quốc tế là Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng có hiệu quả. Vì thế quản lý nhà nước về ODA thời gian qua đều dựa trên cơ sở các văn bản pháp quy.

Tuy nhiên, ông Sinh cũng thừa nhận Bộ KH&ĐT với tư cách là “tổ trưởng” tổ công tác ODA của Chính phủ (gồm các thành viên: Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường-PV) nhưng có những hạn chế, thiếu sót như:

Ông Võ Hồng Phúc (bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư):

- Rút kinh nghiệm vụ PMU18, Bộ KH-ĐT cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về ODA cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để khắc phục sự chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý; đồng thời tăng cường phân cấp và chịu trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý và sử dụng ODA. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án ODA.

1- Chậm giám sát, thanh tra, lúng túng khi thực hiện. Đến cuối năm 2002, Bộ KH&ĐT mới tổ chức Vụ thẩm định và giám sát đầu tư và đến cuối năm 2003 mới thành lập Vụ thanh tra kế hoạch đầu tư.

Các Vụ này mới bắt đầu thanh tra, giám sát một số dự án đầu tư, trong đó có ODA nên chưa có nhiều kết quả và nhìn chung công tác này thực sự chưa đi vào nề nếp. Việc giám sát cộng đồng theo quyết định của Chính phủ chưa được triển khai mạnh mẽ.

2- Bộ KH&ĐT đã tích cực giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, mới chỉ tập trung vào khâu đẩy nhanh giải ngân theo tiến độ đã thỏa thuận với các nhà tài trợ, chưa có điều kiện đi sâu, giám sát, đánh giá chất lượng từng dự án sử dụng ODA.

3- Bộ mới chỉ tập trung thu hút ODA chứ chưa quan tâm đúng mức đến khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án.

4- Chưa đề xuất được hệ thống theo dõi, giám sát có hiệu lực đi kèm với những chế tài cần thiết, chưa có những biện pháp hữu hiệu để các bộ, ngành và địa phương cung cấp đủ và kịp thời các thông tin và báo cáo theo những quy định hiện hành với các chương trình, dự án ODA.

5- Các nghị định về quản lý ODA đã có nhưng chưa thực sự cập nhật với thực tế. Bộ đã sửa đổi để trình Chính phủ.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 11/4, xung quanh khả năng thu hút vốn ODA tiếp theo của VN sau vụ PMU 18, chuyên gia cao cấp về đầu tư của tổ chức JICA (Nhật Bản) Kyoshiro Ichikawa nói:

Các chuyên gia nước ngoài coi vụ PMU 18 là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất ở VN. VN có thu hút được thêm nhiều ODA hay không ngoài phụ thuộc vào kiên quyết xử lý của Chính phủ còn phụ thuộc vào các tổ chức cho vay.

Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 6/2006, các nhà tài trợ sẽ lật lại vụ này. Ông  Kyoshiro Ichikawa dự đoán, vốn ODA chủ yếu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng làm nền tảng để thu hút FDI, nhưng xây dựng cơ sở hạ tầng không tốt thì thu hút FDI cũng khó mà thuận lợi.

Bên cạnh đó, các tổ chức vay ODA của Nhật cần lưu ý, ODA là do người dân Nhật đóng thuế, chắc chắn họ sẽ không thể chấp nhận Chính phủ của mình cho các tổ chức tham nhũng vay vốn.

MỚI - NÓNG