Bỏ kinh doanh, nhào theo chứng khoán

Bỏ kinh doanh, nhào theo chứng khoán
Mải mê với hội chứng khoán, sau Tết, anh Tùng, giám đốc một công ty tư nhân chẳng thiết tha đến văn phòng mà giao tất việc điều hành cho vợ.

>> Tỉ phú... không tiền

Là dân kinh doanh vật liệu xây dựng, kiến trúc nội thất, với số vốn ngót ngét 10 tỷ đồng, cuối năm ngoái, anh Tùng thu hồi gần hết, cho 5 nhân viên nghỉ việc. Vốn quảng giao lại chịu khó, anh từng kiếm được nhiều hợp đồng kha khá nhưng giờ công ty chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu bán lẻ.

Ông chủ sáng sáng cưỡi xe hơi đến sàn chứng khoán, chiều tụ tập dân đầu tư, đăng ký đấu giá, ngồi buôn điện thoại mò thông tin.

Anh kể: "Mạng lưới cung cấp tin cho tôi giờ có đến hai chục người từ nhân viên công ty chứng khoán, tài chính, chuyên viên các bộ ngành, sở. Người nhận lương tháng, kẻ thi thoảng phải biếu quà".

Chị vợ càu nhàu trước hai vợ chồng kinh doanh còn thấy mặt nhau, giờ trưa nào cũng thấy anh chồng bận bịu mời cơm đối tác, bạn bè, có hỏi anh chồng nói: "Cơm trưa với dân chơi chứng khoán là tiền bạc cả".

Hội anh Tùng có 3 người cùng là những ông chủ công ty tư nhân như anh, ngoài vốn hai ba chục tỷ đồng của bản thân, họ có thêm chừng đó là tiền người nhà gom góp nhờ đầu tư hộ. Ngôn ngữ ngày Tết của mấy ông chủ cũng đặc sệt mùi chứng khoán khi họ chúc nhau "Tiền bạc tham chiếu, sức khỏe kịch trần".

Ông Hùng, chủ một cơ sở sản xuất nhựa ven đô Hà Nội, cũng xếp bớt đồ nghề lên sàn. Ông giãi bày "mỗi năm vất vả, nhà cửa quanh năm bẩn thỉu, ồn ào, ô nhiễm mà lãi có vài trăm triệu đồng. Lên sàn từ giữa năm ngoái, giờ lãi vài tỷ".

Lãi lớn lại càng ham, 3 tỷ đồng tiền vốn chưa thấm tháp gì, mới đây ông đã thế chấp cả mảnh đất nhà xưởng để vay ngân hàng thêm hơn tỷ đồng nữa. Mấy ông bạn gần nhà cũng đang tính chuyện dẹp sản xuất để khăn gói đồ nghề theo ông học cách đầu tư.

Ông Hùng kể, nơi ông mở tài khoản có anh bạn là chủ cơ sở sản xuất gỗ quê mãi tận Bắc Ninh. Xuống Hà Nội trông coi việc xây nhà cho con một tháng, sau vài lần đặt lệnh thắng lớn giờ nhà xây xong anh xuống hẳn Hà Nội ở để bám sàn cho tiện. "Tay này vốn chơi không thiếu vì ở quê hàng chục người gửi tiền nhờ đầu tư hộ".

Hệ lụy

Gặp lại ông Hùng trên sàn phiên hôm qua không thấy ông hồ hởi nói nhiều như tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. Ông lo lô cổ phiếu 10.000 PPC đang trong đà rớt giá khi tới đây 41 triệu cổ phần Nhiệt điện Phả Lại tiếp tục được bán ra. Mua vào với giá 95.000 đồng, giờ PPC xuống 86.500 đồng, ông lo ở chỗ nhà đầu tư nước ngoài bán ra rất nhiều.

Hỏi anh bạn đồ gỗ của ông đâu, ông kể khách đã đặt tiền thấy đến hạn không có hàng đang đến ăn vạ ở nhà ầm ĩ, vợ con gọi điện ra đòi về gấp giải quyết nếu không ai đi đường nấy.

Ngay đến chị vợ anh Tùng thấy chồng lãi lớn cũng mừng nhưng gương mặt cũng không giấu được vẻ lo lắng vì được lãi bao nhiêu anh lại ném tiếp vào quay vòng. Trông anh giàu có, chi tiêu thoải mái nhưng vẫn là con nợ, tài sản gấp 10 lần dư nợ nhưng tính toàn bằng cổ phiếu.

Chị kể lể: "Bảo anh rút bớt vốn ra chấn chỉnh lại công ty kiếm ít hơn nhưng chắc chắn anh cứ gạt đi nói lãi như vậy dại gì. Mình mua bán có thông tin, nghiên cứu kỹ chứ tù mù đâu mà sợ. Tôi lo lắm, lúc nào cũng thấy anh nhăm nhăm cái máy tính xách tay đăm chiêu suy nghĩ".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội Dương Thu Hương tỏ ra lo ngại về tình trạng vốn sản xuất kinh doanh bị ném vào chơi chứng khoán.

Bà Hương nói, mức vốn hóa thị trường lên tới 30% GDP nhưng cổ phiếu nào cũng gấp hàng chục, thậm chí vài chục lần mệnh giá thì thực ra số vốn huy động từ chứng khoán đổ vào sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích kinh tế không lớn. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ lưu ý và có giải pháp.

Thế nhưng theo các chuyên gia, trong thời điểm hiện nay thật khó kêu gọi dân đầu tư giảm chơi cổ phiếu.

“Giá cổ phiếu tăng vùn vụt nên dân đầu tư tin vào thực tế thị trường hơn là những cảnh báo. Hơn nữa, các thông tin về vốn nước ngoài, tăng trưởng kinh tế rất tốt nên khuyến cáo nhà đầu tư rút bớt vốn là việc bất khả thi.

Cũng giống cơn sốt đầu tư bất động sản, chỉ khi nào giá chứng khoán rớt mạnh, nhiều người thua lỗ thì dân đầu tư mới rút lui bớt", ông Ngô Trí Long, Viện phó Viện Khoa học giá cả thị trường Bộ Tài chính nhận định.

Theo Việt Phong
Vnexpress

MỚI - NÓNG