9 tháng thí điểm xe hợp đồng điện tử:

Bộ, ngành đau đầu tìm cách “quản” Uber

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
TPO - Ngày 13/10, Bộ GTVT đã tổ chức sơ kết 9 tháng công tác thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tại Hội nghị, làm thế nào quản lý được Uber là chủ đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm.  

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, đến nay mới có ba ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm: GrabCar của Công ty TNHH GrabTaxi (Grab), V-Car của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), và mới đây nhất, Thanh Cong Car của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội được Bộ GTVT chấp thuận triển khai thí điểm.

Theo báo cáo của Bộ GTVT cũng như của Sở GTVT thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Grab và Vinasun đã tuân thủ đầy đủ việc báo cáo hoạt động hàng tháng, cũng như danh sách các đơn vị vận tải, phương tiện tham gia thí điểm. Hai công ty cũng đã thực hiện dán đầy đủ logo cho các phương tiện tham gia thí điểm. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết: “Công ty Grab thực hiện việc báo cáo đầy đủ theo biểu mẫu do Sở GTVT ban hành, bao gồm số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện tham gia ký kết. Qua kiểm tra, các đơn vị vận tải, các phương tiện đều được Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh cấp phép kinh doanh và cấp phù hiệu xe hợp đồng.”

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện hai đơn vị này cũng công bố những số liệu ấn tượng về hiệu quả hoạt động thí điểm. Cụ thể, hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách trên bình quân 100km xe lăn bánh) của GrabCar tại Hà Nội đạt 88,1% và tại TPHCM đạt 89,6%. Con số này của V-Car tại Khánh Hòa là 47,2% và tại TPHCM là 62,3%, được đại diện của Vinasun khẳng định là cao hơn đáng kể so với taxi truyền thống. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam còn cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam tới nay, Grab đã đạt tổng cộng 140 triệu km cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách với tất cả các loại hình (GrabTaxi, GrabCar, GrabBike).

Uber “làm loạn” thị trường

Báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ: “Trường hợp phần mềm kết nối được cung cấp xuyên biên giới của Công ty Uber B.V. Hà Lan, trong 2 năm qua Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn Uber xây dựng Đề án gửi Bộ GTVT xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn.

Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. Lý do là vì Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam (hiện diện thương mại hoặc đăng ký tên miền Việt Nam). Vì vậy, Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch TMĐT của Uber.”

Việc Uber không tham gia Đề án thí điểm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động đem lại nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp. Khẳng định các đơn vị tham gia thí điểm phải tuân thủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng đơn vị ngoài thí điểm vẫn hoạt động tự do, coi thường pháp luật đang tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh và nguy cơ về mặt an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Tạ Long Hỷ, đại diện Công ty Cổ phần Ánh Dương kiến nghị: "Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhằm triệt tiêu việc dùng phần mềm bất hợp pháp để hút hành khách, làm tăng lượng "xe mù", gây rối loạn thị trường như Uber".

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng nhấn mạnh Uber và Grab tuy có hình thức kinh doanh giống nhau về mặt thương mại điện tử, nhưng trong lĩnh vực giao thông vận tải, mới chỉ có Grab được phép thí điểm theo Quyết định số 24. Vì vậy, cần phân biệt rõ ràng 2 công ty này khi nói về Đề án thí điểm, tránh tình trạng nhập nhằng, nhầm lẫn.

Siết kiểm tra, xử lý vi phạm

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động của xe hợp đồng dưới 9 chỗ, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã tiến hành thanh tra với đối tượng là xe hợp đồng dưới 9 chỗ, lập biên bản 263 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt là gần 900 triệu đồng.

Ông Huỳnh Trung Phong, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TPHCM kiến nghị: “Để tăng cường hiệu quả cho công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, chúng ta cần có hình thức nhận biết các loại hình phương tiện này. Ví dụ như Grab đã có logo, còn những phần mềm khác như Uber thì khó nhận biết. Đồng thời cũng cần “Tăng nặng, phạt cao” đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe”.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: “TPHCM đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những phương tiện không đúng quy định. Chúng tôi đề nghị Sở GTVT Hà Nội có những phối hợp mạnh mẽ hơn để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ. Tổng cục cũng đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông chỉ đạo Cảnh sát Giao thông các thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thật hiệu quả”.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật.

Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải qua ứng dụng di động

MỚI - NÓNG