Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp

Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo nếp
Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo nếp
TPO - Bộ NN&PTNT đề nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Ngày 16/4, Bộ NN&PTNT có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc “gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia” và về diện tích, sản lượng gạo nếp một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong một công văn hỏa tốc hôm qua.

Theo Bộ NN&PTNT, danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia.

Trong danh mục lương thực dự trữ quốc gia (theo Nghị định 94) chỉ quy định thóc tẻ và gạo. Cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ là Tổng cục Dự trữ (Bộ Tài Chính).

Về diện tích gieo trồng, sản lượng sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại từng tỉnh Long An và tỉnh An Giang theo từng vụ: Vụ Hè Thu 2019, tỉnh Long An có 64 nghìn ha, sản lượng ước 305 nghìn tấn lúa nếp (tương đương 183 nghìn tấn gạo nếp); An Giang gieo trồng khoảng 27 nghìn ha, sản lượng ước 155 nghìn tấn lúa nếp, tương đương khoảng 93 nghìn tấn gạo nếp.

Đối với  Vụ Thu Đông 2019, tỉnh An Giang gieo trồng khoảng 18 nghìn ha, sản lượng ước 108 nghìn tấn lúa nếp, tương đương 65 nghìn tấn gạo nếp. 

Vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Long An gieo trồng khoảng 65 nghìn ha, sản lượng ước 430 nghìn tấn lúa nếp, tương đương khoảng 258 nghìn tấn gạo nếp. Tỉnh An Giang gieo trồng khoảng 44 nghìn ha, sản lượng ước 325 nghìn tấn lúa nếp, tương đương khoảng 195 nghìn tấn gạo nếp.

Như vậy, sản lượng gạo nếp quy gạo ở các địa phương mà Bộ Công Thương quan tâm là gần 800 nghìn tấn gạo nếp.

Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỉ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản số 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm. Tuy nhiên, tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (cấp thấp) đến hết ngày 15/6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020.

Và ngày hôm qua 15/4, trong báo cáo gấp về vụ mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo “lúc nửa đêm”, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề nghị  tạo điều kiện cho các DN khai những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng ước không vượt quá 300 nghìn tấn).

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng kiến nghị cho phép xuất khẩu lại gạo nếp (HS 1006.30) và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng, do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.