Bộ trưởng Công thương yêu cầu xử lý vụ khăn Khaisilk '2 xuất xứ'

TPO - Liên quan đến việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, làm rõ các thông tin trên.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, ngày 26/10, trước việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có yêu cầu lực lượng chức năng thuộc bộ này vào cuộc làm rõ.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Hai cơ quan trên được yêu cầu phải khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Công Thương trước ngày 28/10.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, hiện lực lượng quản lý thị trường đã nắm được thông tin ông Hoàng Khải thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc từ những năm 90. Hiện Chi cục Quản lý thị trường đã giao ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, làm rõ thông tin trên. Cụ thể, Đội quản lý thị trường số 14 của Hà Nội sẽ vào cuộc làm rõ thông tin phản ánh trên truyền thông, báo chí về nhãn hàng lụa Khaisilk, khi có kết luận sẽ thông tin cụ thể.
Bộ trưởng Công thương yêu cầu xử lý vụ khăn Khaisilk '2 xuất xứ' ảnh 1

Chiếc khăn lụa vừa có mác “KHAISILK – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China” làm chao đảo đế chế Khaisilk

Vụ việc một cửa hàng của Khải Silk bán sản phẩm khăn lụa Khaisilk theo kiểu “'một chiếc khăn, hai nơi sản xuất” đã gây sự chú ý của dư luận khi trên Facebook Dang Nhu Quynh đã đưa cả clip, ảnh chụp liên quan đến việc mua hàng tại Khaisilk. Theo như phản ánh của chủ nhân FB này, Công ty V (của em gái anh Quynh) đặt mua 60 chiếc khăn lụa có kích thước 50cm x 50cm với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk tại địa chỉ 113 Hàng Gai, Hà Nội vào ngày 17/10 với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận hàng phía công ty V phát hiện một chiếc khăn vừa có mác Made in Việt Nam vừa có mác Made in China trong lô hàng vừa nhận được từ Khaisilk. Ngay sau khi phát hiện nhiều điểm nghi vấn trên những chiếc khăn vừa mua, công ty V có lập biên bản ghi nhận sự việc và yêu cầu phía Khaisilk 113 Hàng Gai làm rõ những vấn đề như: "Khăn lụa này có thuộc thương hiệu Khaisilk hay xuất xứ từ Trung Quốc? Khăn thực chất làm từ chất liệu thế nào? Tại sao trên một chiếc khăn lại có hai mác, một Made in China và một mác mang thương hiệu Khaisilk?".

Phía công ty V của em gái anh Quynh cũng đặt nghi vấn về xuất xứ 6 chiếc khăn đã mua trước đó (5 chiếc có giá 1.995.000 đồng/chiếc và một chiếc có giá trên hai triệu đồng).

Cũng theo chủ nhân facebook này, sau khi nhận được các câu hỏi từ phía công ty V, ngày 19/10, ông Trần Văn Cương, phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội đã có thông tin phản hồi và thừa nhận các mẫu khăn lụa công ty anh Quynh mua từ cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai là thuộc thương hiệu Khaisilk. Vị này cũng khẳng định "Chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm".

Về nguyên nhân một chiếc khăn có hai chiếc mác Made in China và Made in Vietnam, phía Khaisilk giải thích: "Trên một chiếc khăn thuộc mẫu khăn 55 x 55cm có 2 nhãn mác là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng 60 khăn cho khách hàng, do thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kĩ. Đây là đơn hàng chúng tôi đang sản xuất 350 chiếc cho khách hàng tại Hong Kong (Trung Quốc), may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách vì lí do thủ tục nhập khẩu riêng của khách hàng".

Phía anh Quynh cũng cho biết thêm, từ sau khi sự việc xảy ra đến nay, phía công ty anh chưa nhận thêm bất cứ phản hồi nào từ phía Khaisilk, đồng thời cũng đặt nghi vấn lô khăn kia không phải là hàng xịn.

Trước sức ép truy vấn của dư luận, sau nhiều ngày im lặng, chiều 25/10, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ thương hiệu Khaisilk, đã trả lời phỏng vấn báo chí và thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Theo doanh nhân Hoàng Khải, Khaisilk hiện đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước kia lụa là sản phẩm cốt lõi làm nên thương hiệu riêng của ông và tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi mở rộng phát triển sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư phát triển.

Trong khi đó, việc mở rộng nhanh sang nhiều lĩnh vực cũng như tầm hoạt động khắp Bắc - Trung - Nam cũng khiến ông chủ thương hiệu này lúng túng trong khâu quản lý, đặc biệt là mảng kinh doanh lụa tơ tằm không còn được như ban đầu, thậm chí lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát.

“Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk. Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”, ông Hoàng Khải chia sẻ.

Ông Khải cũng nhấn mạnh dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.

Về hướng giải quyết, ông Hoàng Khải cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. Thương hiệu này sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

Đại gia Khải Silk hay chính là doanh nhân Hoàng Khải, sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông là con trai cả trong một gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Trước khi bước vào con đường kinh doanh, Khải Silk là sinh viên của Nhạc viện Hà Nội. Ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai năm 25 tuổi.

Từ cửa hàng đầu tiên ở phố Hàng Gai, Khaisilk phát triển thêm có 3 cửa hàng lớn nằm tại khách sạn Metropole, khách sạn Nikko và khách sạn Sofitel Plaza.

Trong cuộc sống đời thường, ít người biết đại gia Khải Silk sở hữu khối tài sản ‘khủng’ có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng và là người đầu tiên mang siêu xe Rolls-Royce Phantom về Việt Nam. Ông còn được nhiều người gọi là triệu phú tiền đô.

Giai đoạn những năm 2000, ông chủ Tập đoàn Khải Silk quyết định Nam tiến, mở rộng hoạt động vào TP.HCM, với các chi nhánh được hình thành, phát triển tại các khách sạn 5 sao như khách sạn Legend, khách sạn NewWord và Nhà hàng Ngôi Nhà nhỏ “ Au Manoir De Khai”.

Sau đó, những cửa hàng, thương hiệu Khaisilk bắt đầu có mặt ở những khu vực Đồng Khởi (TPHCM), khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc.

Năm 2007, chiếc Rolls-Royce Phantom với trị giá khoảng 1 triệu USD đột ngột xuất hiện trước cửa khách sạn Sheraton đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM, và chủ nhân của siêu xe này chính là đại gia Khải Silk. Vào thời điểm đó, chiếc Rolls-Royce Phantom được coi là chiếc xe đắt nhất Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).