Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta nợ dân mãi sao được

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Thanh tại xã Triệu Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh: TG.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Thanh tại xã Triệu Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh: TG.
TP - Cả nước còn hàng ngàn hồ sơ công nhận người có công với cách mạng vẫn tồn đọng, nhiều người đã già, thậm chí đã mất. Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị toàn ngành vào cuộc giải quyết.

Sáng 17/2, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại một số địa phương.

“Nợ dân mãi sao được”

Ông Phạm Văn Sớm (70 tuổi, ở thôn Trung Thành, Yên Lễ, Như Xuân, Thanh Hoá) kể, năm 1968 ông đi B và chiến đấu tại chiến trường Lộc Ninh (Tây Ninh). Tới tháng 7/1969 ông bị thương. Năm 1976, hoà bình lập lại ông Sớm về Thanh Hoá công tác và xin chuyển sang ngạch dân sự. Cùng thời gian này, ông thực hiện thủ tục nhận chế độ thương binh 1 lần.

Dẫu vậy, liên tục vết thương cũ hành hạ người chiến binh năm xưa, khiến ông Sớm phải vào ra như cơm bữa ở viện để chữa trị. Hơn 10 năm trước, thấy những đồng đội xưa cũng hưởng chế độ 1 lần làm các thủ tục bổ sung để nâng hạng thương binh và hưởng trợ cấp hàng tháng, ông Sớm cũng làm theo. Tuy nhiên, khi nộp các giấy tờ, thủ tục liên quan lên huyện thì bị giải thích lòng vòng khiến ông nản và đem hồ sơ đủ giấy tờ về cất tủ.

“Tôi mong toàn ngành LĐ-TB&XH thực hiện giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng một cách quyết liệt, trách nhiệm, bằng trái tim, lương tâm của mình, những cũng phải thận trọng vì vấn đề này liên quan tới vận mệnh con người, danh dự cả dòng họ. Chúng ta nợ dân mãi sao được”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Năm 2008, ông Sớm thêm lần nữa lấy hồ sơ đi nộp lại cho huyện đội. Từ đó tới nay, đã gần 1 thập kỷ trôi qua, ông Sớm vẫn chưa nhận được câu trả lời về trường hợp của mình. “Trước cũng hỏi mấy lần, nhưng chỉ được hứa hẹn không trả lời dứt điểm, nên giờ không hỏi nữa. Mình đã hy sinh cho đất nước cả đời, giờ già rồi chẳng sống được bao nhiêu nữa nên kệ”, ông Sớm nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện những hồ sơ tồn đọng đều rất khó, vì những trường hợp dễ đã giải quyết xong từ lâu. Có nhiều hồ sơ chỉ có 1 giấy tờ gốc, nhưng quy định lại phải có mấy loại giấy tờ mới được công nhận người có công. Những khó khăn đó cần tháo gỡ, trên cơ sở tôn trọng thực tế, có sự giám sát, thẩm định của nhân dân. “Ai đi bộ đội, ai đào ngũ ra sao… về hỏi thôn xóm các cụ biết hết”, ông Dung nói.

3.000 hồ sơ

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.342 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Lý do, hồ sơ tồn đọng cơ bản đầy đủ thủ tục, nhưng quá trình giải quyết chậm, dẫn tới chính sách thay đổi phải để lại tới nay.

Đơn cử: Có trường hợp cùng hy sinh trong 1 trận bom, nhưng có 2 người được công nhận liệt sĩ, 1 người tới nay chưa được công nhận do thiếu hồ sơ, người nhà có ý kiến gay gắt. Để giải quyết, Thái Bình đã thực hiện rà soát từng hồ sơ, về địa phương xác minh từng người và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Khi không còn ý kiến và có cơ sở xác đáng sẽ công nhận người có công. Nhờ cách làm đó, tới nay một số hồ sơ người có công tồn đọng tại Thái Bình đã được giải quyết.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước còn tồn đọng trên 3.000 hồ sơ người có công. Để xử lý vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 tỉnh: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An, với tổng số 428 hồ sơ tồn đọng. Sau khi thực hiện xác minh, lấy ý kiến người dân địa phương, đã xác lập hồ sơ để trình cấp thẩm quyền công nhận 71 trường hợp là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Ông Huỳnh Văn Tý, Tổ trưởng Tổ công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, giải quyết hồ sơ tồn đọng rất phức tạp, nhiều lần mở ra - đóng lại, nay lại mở ra.

“Mỗi lần mở ra giải quyết chế độ cho người có công lại có hồ sơ giả tuồn vào, nên yêu cầu những người thực hiện phải thật sự trách nhiệm, để người nào xứng đáng nhưng thiếu hồ sơ vẫn được giải quyết, nhưng không để hồ sơ giả lọt vào. Thông tư hướng dẫn chính là trái tim của mình, còn hồ sơ gốc là người dân”, ông Tý nói.

Sau khi thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại một số địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra quy trình 8 bước để giải quyết, từ sàng lọc, thẩm định, tới công khai thông tin để lấy ý kiến người dân địa phương… Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm nay thanh tra bộ sẽ thực hiện thanh kiểm tra những nơi có nhiều ý kiến về thực hiện chính sách người có công, những trường hợp đang có vấn đề để chấn chỉnh, không để xảy ra trục lợi chính sách.

MỚI - NÓNG