Bộ trưởng Giao thông nói về 'vấn đề nóng' trạm thu phí BOT

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (giữa) kiểm tra Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn tháng 7/2018. Ảnh: MT
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (giữa) kiểm tra Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn tháng 7/2018. Ảnh: MT
TP - Bên thềm năm mới 2019, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có những chia sẻ với báo chí về vấn đề thu phí BOT đang "nóng" hiện nay. Theo ông Thể, vấn đề về BOT, Bộ GTVT không giải quyết được mà phải trình lên Quốc hội.

Thưa ông, năm qua câu chuyện thu phí BOT đường bộ rất "nóng", nhiều người hiểu chưa đúng, chưa đủ về BOT, ông nhìn nhận sao về vấn đề này?

Trước tiên phải khẳng định, tất cả trạm thu phí BOT đường bộ đang và sắp vận hành, đều thực hiện đúng các quy định tại thời điểm thực hiện. Các dự án BOT không chỉ được Bộ GTVT, mà các bộ, ngành khác và các địa phương cho ý kiến, giám sát chặt chẽ.

Hạn chế lớn nhất trong thực hiện BOT vừa qua là chưa lường trước được tác động, những mặt trái của nó. Điển hình, từng dự án riêng lẻ thì đúng, nhưng trong một khu vực, một vùng có nhiều dự án, trạm thu phí BOT, khiến chi phí vận tải tăng, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn tới có một số dự án BOT gặp phản ứng của tài xế, với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi tiếp thu mọi ý kiến dư luận, người dân, doanh nghiệp…

Tuy vậy, những hạn chế trên không dễ khắc phục. Hầu như tháng nào, chúng tôi cũng báo cáo tình hình BOT lên Chính phủ và đề xuất giải pháp. Một trong những giải pháp là giảm phí tại một số trạm BOT từ 35.000 đồng/xe con xuống còn 15.000 đồng/xe con. Điều này, để giảm bức xúc và giảm sức chịu đựng của nền kinh tế.

Vậy theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề BOT?

Nếu bỏ các trạm thu phí BOT, ngân sách nhà nước sẽ phải chi để mua lại, vì các dự án đều triển khai đúng quy định. Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng, Chính phủ, Quốc hội xem xét các kiến nghị của Bộ GTVT để giải quyết tốt nhất vấn đề BOT. Nếu dùng ngân sách, Bộ GTVT cũng không quyết được, phải được Quốc hội thông qua.

Với các dự án có ý kiến khác nhau, nếu Quốc hội đồng thuận thì chi ngân sách vài chục nghìn tỷ đồng để mua lại. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay việc này chưa thực hiện được, do ngân sách nhà nước đã được phân bổ cho cả giai đoạn 2016-2020. Do đó, kỳ ngân sách năm 2020-2025, nếu Quốc hội đồng thuận thì phân bổ ngân sách mua lại một số trạm thu phí BOT. Tôi mong xã hội xem xét việc này, chúng ta phải căn cứ vào thực lực tài chính quốc gia.

Vừa qua, Chính phủ đã họp rất nhiều lần để có giải pháp với một số trạm thu phí BOT. Điển hình như trạm thu phí BOT Tân Đệ (Thái Bình), Thủ tướng đã đồng ý di dời trạm thu phí này về tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). Cùng với dời trạm Tân Đệ về tuyến tránh, Bộ GTVT và địa phương cũng thực hiện phân luồng phương tiện, để xe tải, xe khách, xe gây ô nhiễm đi tuyến tránh. Sau khi chuyển trạm thu phí về tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, căn cứ vào số thu phí thực tế, Bộ GTVT sẽ có giải pháp báo cáo Thủ tướng để giải quyết hài hoà lợi ích người dân, chủ đầu tư và nhà nước.

Đó là giải pháp cho từng dự án, còn bài toán tổng thể cần giải pháp lớn, nên Bộ thường xuyên báo cáo các cấp ngành, và kỳ vọng vào nhiệm kỳ tới. Đó là những kỳ vọng của cá nhân tôi, còn thực tế phải phụ thuộc Chính phủ, Quốc hội. Chúng tôi cũng muốn tháo gỡ những vướng mắc liên quan BOT, nhưng không làm được, chỉ báo cáo, tham mưu lên cấp trên. Nên mong người dân ủng hộ.

Ông đã giữ cương vị Bộ trưởng GTVT được 2 năm, thời gian đó chưa khởi công dự án giao thông nào lớn để giảm áp lực ùn tắc giao thông? Thực tế này có phản ánh những khó khăn trong thu hút vốn đầu tư vào giao thông thời gian gần đây?

Nói chính xác, tôi nhận nhiệm vụ bộ trưởng được 14 tháng. Thời gian đó chúng tôi tập trung thực hiện 2 dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Sân bay Long Thành. Hiện cả 2 dự án mới trong giai đoạn lập và phê duyệt dự án, lập thiết kế, chuẩn bị đấu thầu… Đó đều là những công việc thầm lặng, chưa tới thời điểm khởi công.

Về huy động đầu tư xã hội vào giao thông, hiện chúng tôi đang nghiên cứu một số dự án để kêu gọi đầu tư xã hội. Tuy nhiên, đầu tư BOT hết sức khó khăn. Nhưng, tôi tin, chỉ 3 - 5 năm nữa, số ô tô tăng, đường hiện hữu quá tải, việc kêu gọi đầu tư vào giao thông sẽ tốt hơn.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG