Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị Chủ tịch tỉnh siết chất làm bung đùi, nở mông lợn

TPO - Ngày 7/9, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có chỉ thị, đề nghị các địa phương siết chặt, chấn chỉnh việc quản lý vấn đề chất cấm trong chăn nuôi.

Bộ trưởng Phát đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo, tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (chủ yếu là chất Sulbutamol- chất làm bung đùi, nở mông trong chăn nuôi lợn) trên địa bàn.

Theo đó, các khu vực kiểm tra là cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc thú y (đặc biệt lưu ý cơ sở gia công cám, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung).

Các đoàn kiểm tra TACN, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi.

Đối với các lò mổ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ; tại các chợ, kiểm tra các mẫu thịt gan, thận của lợn và bò thịt.

Theo Bộ NN&PTNT, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật, còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay. 

Các đối tượng vi phạm cần xử lý nghiêm theo pháp luật, đặc biệt là theo Điều 155 Bộ Luật hình sự, quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. 

Trước tình hình đó, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã lập đoàn công tác đặc biệt, thanh kiểm tra vấn đề chất cấm đang bùng lên tại các tỉnh phía Nam.

Nhiều nơi sử dụng chất cấm

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu lợn tại cơ sở giết mổ tại 51 lô, và phát hiện 31 mẫu (của 7 lô) dương tính với chất cấm Salbutamol, hàm lượng 80-1.300 ppb, trong khi theo quy định chỉ 2 ppb.

Trong 7 lô trên, có 4 lô có nguồn gốc từ Đồng Nai, có 2 lồ của Tiền Giang và 1 lô của Long An. Chi cục Thú y TPHCM đã có công gửi cho các địa phương để xử lý các vụ việc phi phạm trên.

Tại Đồng Nai, Cơ quan thú y tỉnh này đã lấy mẫu nước tiểu tại 44 trong số gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trại có lợn “dính” chất cấm Salbutamol (ở huyện Trảng Bom, Vĩnh Cử và thành phố Biên Hòa). Ngoài ra, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh này cũng phát hiện 1 đại lý bán sản phẩm chứa chất cấm.

Đặc biệt, đoàn công tác đã truy xuất lô hàng của Cty sản xuất thú y Khoa Nguyên (TPHCM) sản xuất tháng 7/2014. Cty thừa nhận có sử dụng chất cấm. 

Đoàn cũng phát hiện 15 sản phẩm thuốc thú y của Cty này không nằm trong danh mục cho phép. Cty này đã bị lập vi phạm hành chính tới 420 triệu đồng, đình chỉ sản xuất thức ăn bổ sung 1 tháng, và cấm sản xuất thuốc thú y của cơ sở này.

Ngoài ra, Chi cục Thú y tại Vĩnh Long, đã kiểm tra, phát hiện sản phẩm chứa chất cấm Salbutamol hàm lượng tới 3.160 ppb (trong khi hàm lượng cho phép chỉ 50 ppb). Cty Cường Phát (xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai) là nơi đặt hàng Cty Bắc Âu Mỹ (Long Thành, Đồng Nai) sản xuất.

Với Cty Cường Phát bị phát hiện 10 sản phẩm không có trong danh mục, đề xuất phạt 340 triệu đồng.  Còn Cty Bắc Âu Mỹ, theo thông tin ban đầu, Cty này ra chợ Kim Biên (TPHCM) mua phẩm màu. Cơ quan chức năng đang cho lấy mẫu phân tích, và phối hợp với công an để xử lý.

Ngoài ra, tại Tiền Giang, cơ quan chức năng phát hiện 25/38 mẫu nước tiểu dương tính với Sabutamol; Bến Tre lấy 20 mẫu (16 mẫu nước tiểu, 4 mẫu thức ăn bổ sung), trong đó 4/16 mẫu nước tiểu dính chất cấm; Tây Ninh phát hiện 2/2 mẫu có chất cấm.

Theo Bộ NN&PTNT, việc sử dụng chất cấm thường ở các trang trại nhỏ lẻ (nuôi 100-200 con lợn), chất lượng con giống kém, nên dùng chất cấm để tăng trọng, thu lợi bất chính. Thậm chí, xuất hiện một số cá nhân, thương lái, thuê lại các trang trại chăn nuôi, rồi thu mua lợn đã xuất chuồng của các Cty, dùng chất cấm vỗ béo.

Lợn sau nhốt và dùng chất cấm 10-30 ngày, sẽ tăng trọng 20-30kg/con, đạt trọng lượng 130-140 kg/con. Trừ đi các khoản chi phí, thương lái lời khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng/con lợn. Các thương lái cũng quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

MỚI - NÓNG