Bộ trưởng Tài chính: Áp lực vay mới để trả nợ tương đối cao

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
TP - Theo chương trình kỳ họp, chiều nay (10/6) Quốc hội bước vào nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm là chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là “Tư lệnh” ngành đầu tiên đăng đàn.

Sẽ dành khoảng 20% tổng thu ngân sách để trả nợ

Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) quan tâm chất vấn Bộ trưởng Tài chính là vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng.

Bộ trưởng Tài chính: Áp lực vay mới để trả nợ tương đối cao ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013). Như vậy, nợ công hiện vẫn ở mức an toàn, dưới mức theo quy định của Nghị quyết của QH là 65%.


Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2- 5 năm. “Áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn”, ông Dũng cho biết.

Về khả năng cân đối nguồn trả nợ, Bộ Tài chính cho rằng, nhiệm vụ thu ngân sách phải đạt yêu cầu của QH, Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Theo đó phải đạt tăng thu 12%-14%/ năm; cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu NSNN để trả nợ. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.

Thanh tra 361 DN có dấu hiệu chuyển giá

“Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện (đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ thuế ước tăng 23,9% so với thời điểm 31/12/2012); trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp khó khăn phải nợ thuế”, Bộ Tài chính cho biết.

Đánh giá về tình trạng chuyển giá, Bộ Tài chính cho rằng, hành vi này làm thất thu ngân sách nhà nước; tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các DN; thôn tính cổ đông nội địa.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt là 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.232,5tỷ đồng.

Đối với việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá như giá xăng dầu (sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu trong 8 lần điều hành góp phần bình ổn giá chung), giá sữa (kiến nghị Chính phủ áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi).

“Áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn”

Ông Đinh Tiến Dũng

cho biết

Trong tháng 3/2014, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 5 DN sữa. Theo đó, đã xử lý vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do kê khai thiếu 3 sản phẩm trong năm 2013 với mức xử phạt là 45 triệu đồng; truy thu bổ sung ngân sách nhà nước tổng số thuế năm 2013 hơn 10,2 tỷ đồng đối với 4 công ty sữa.
MỚI - NÓNG