'Bội thực' chứng khoán!

'Bội thực' chứng khoán!
Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu “bội thực” khi tới đây sẽ có hàng loạt “đại công ty nhà nước” chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), buộc Chính phủ phải chỉ đạo cân nhắc lại thời gian tổ chức IPO của các doanh nghiệp này.

Mới đây, ông Trần Bắc Hà, tổng giám đốc Ngân hàng (NH) đầu tư và phát triển (BIDV), đã kiến nghị Chính phủ sắp xếp lại các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, dự kiến được tổ chức trong sáu tháng cuối năm.

Theo ông Hà, trong tình hình thị trường hiện nay, việc các DN đưa ra thị trường một lượng cung cổ phiếu quá lớn có thể sẽ làm giá cổ phiếu giảm, gây thiệt hại cho Nhà nước vì thặng dư vốn cổ phần sẽ giảm theo.

“Bội thực” cổ phiếu

Trong số các DN có thể làm thị trường “chao đảo” có sự góp mặt của BIDV, với số vốn điều lệ dự kiến khoảng 14.000 tỉ đồng. Mặc dù kiến nghị “sắp xếp lại”, ông Hà cho biết trong quí 4-2007 BIDV vẫn sẽ thực hiện IPO theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Trước câu hỏi việc NH Công thương (Incombank) cũng dự kiến thực hiện IPO trong cùng quí 4 liệu có gây khó khăn cho cả hai “đại gia”, ông Hà trả lời ngắn gọn: “Cùng quí nhưng khác tháng”.

Giãn như thế nào?

Theo một quan chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hiện nay nơi này đang nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể hình dung sẽ đưa ra kiến nghị như thế nào vì đây là một vấn đề mang tầm vĩ mô mà nhiều cơ quan phải cùng xem xét.

“Thử nghĩ xem, chúng ta đưa hàng loạt DN ra đấu giá trong lúc NH Nhà nước đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ qua việc ấn định tỉ lệ cho vay cầm cố chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ NH và buộc các NH phải nâng gấp đôi tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Còn cầu chứng khoán là bao nhiêu không ai đo lường được, bởi cho đến nay NH Nhà nước vẫn chưa thể công bố số liệu tương đối chính xác về nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và lượng tiền tiết kiệm còn ở trong dân.

Vậy chúng ta phải dựa trên cái gì đây để nói nên dừng hay nên tiếp tục?” - ông hỏi.

Với số vốn điều lệ dự kiến 10.000 tỉ đồng, NH Vietcombank đã trình đề án cổ phần hóa lên Thủ tướng.

Theo bà Nguyễn Thu Hà - phó tổng giám đốc Vietcombank, với thị trường hiện nay khả năng bán giá cao là khó, nhưng “đến tháng tám biết đâu thị trường lại đổi khác”.

Ông Huỳnh Nam Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị NH phát triển nhà ĐBSCL (MHB), cho biết hiện vẫn chưa nhận được chỉ đạo “làm chậm lại” của Thủ tướng nên sẽ vẫn tiếp tục theo lộ trình đặt ra. Theo ông Dũng, với giá trị sổ sách đến thời điểm hiện tại khoảng 1.000 tỉ đồng, MHB sẽ thực hiện IPO khoảng tháng mười.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục được “giội bom” bởi các đại gia ngành viễn thông, bia - rượu... Ông Lê Ngọc Minh, giám đốc MobiFone, cho biết công ty chưa nhận được chỉ đạo về việc thay đổi lộ trình.

Dự kiến, chậm nhất tháng mười hai MobiFone sẽ thực hiện bán đấu giá. Còn Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện đang làm thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp, dự kiến đầu tháng tám sẽ hoàn thành đề án để báo cáo Bộ Công nghiệp và Chính phủ.

Sau khi được phê duyệt đề án, Sabeco sẽ bán đấu giá đợt 1 khoảng 20% vốn điều lệ, sang năm 2008 sẽ bán thêm 20%. Còn Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang trong quá trình làm thủ tục, dự kiến đưa ra đấu giá cuối quí 3 hoặc đầu quí 4.

Tiến không được, lùi chẳng xong

Liên quan đến việc có nên đưa các “đại công ty” ra bán đấu giá hàng loạt, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Đình Cung - trưởng ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng xét ở góc độ nhà nước là người bán hàng thì đương nhiên phải chọn thời điểm bán tốt nhất để bán được giá.

“Theo tôi, không nên để các NH thực hiện IPO quá gần nhau vì thị trường sẽ không tiêu thụ kịp, nhất là trong thời điểm hiện nay dường như nhà đầu tư chẳng còn hăng hái mấy” - ông Cung nói.

Theo một chuyên gia tài chính, việc cổ phần hóa một số NH có thể dời lại nhưng Vietcombank là không thể vì “đại gia” này đã phát hành trái phiếu chuyển đổi từ tháng 12-2005, nhà đầu tư đã chờ đợi IPO của Vietcombank quá lâu để thực hiện “giấc mơ” chuyển trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy nhiên, trên một diễn đàn chứng khoán, một số nhà đầu tư lại không đồng tình với ý kiến dời lại thời điểm phát hành IPO của các DN.

Tuy nhiên, tổng giám đốc một NH cho rằng không nên quá chú trọng đến giá khi thực hiện IPO. Ông phân tích: “Giá bán cổ phần là một yếu tố nhưng không phải là mục tiêu tối thượng của cổ phần hóa. Nếu chỉ chăm chăm tìm thời điểm nào bán được giá tốt nhất thì biết bao giờ chúng ta mới hoàn tất quá trình chuyển đổi”.

Ngoài ra, theo ông, cần lưu ý thời gian vừa qua nhiều loại cổ phần khi bán đấu giá đã được đẩy giá lên quá cao gây khó khăn cho việc thực hiện chiết khấu cho cán bộ công nhân viên các DN. Còn hiện nay, nếu giá đấu được thị trường ấn định ở mức hợp lý, chính sách này chắc chắn sẽ phát huy tác dụng.

Theo các công ty chứng khoán, cổ phiếu của Bảo Việt đang được giao dịch ở mức 68.000-70.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ với mức giá đấu thành công bình quân (73.910 đồng/cổ phiếu). Nguyên nhân, theo các công ty, là do nhiều nhà đầu tư không xoay xở kịp tiền để thanh toán, đành phải “bán lúa non”.

Ông Lê Quang Bình, chủ tịch HĐQT Bảo Việt, cho biết phải chờ đến 26-6 mới có thể biết được số lượng nhà đầu tư bỏ cọc. Nếu tỉ lệ bỏ cọc dưới 30%, Bảo Việt sẽ thỏa thuận lại với các nhà đầu tư đã trúng đấu giá theo thứ tự từ cao xuống thấp, còn nếu trên 30% thì sẽ tổ chức đấu giá lại phần bỏ cọc.

Cổ phiếu của Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí (thường được gọi là Đạm Phú Mỹ) hiện đang giao dịch quanh mức 69.000-72.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được xem là tăng so với giá đấu thành công bình quân (54.400 đồng/cổ phiếu) nhưng thấp hơn nhiều so với mức giá hình thành trước khi đấu giá (chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu ưu đãi).

Theo Tuổi Trẻ

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

'Bội thực' chứng khoán! ảnh 1
MỚI - NÓNG