"Bong bóng" mới trong thị trường BĐS?

"Bong bóng" mới trong thị trường BĐS?
TP - Hàng loạt khu chung cư cũ (CCC) tại trung tâm TPHCM đang tăng giá chóng mặt sau sự kiện Công ty Phú Hưng Gia chấp nhận mua lại những căn hộ cũ nát tại khu chung cư số 53 - 55 Bà Huyện Thanh Quan (Q.3- TPHCM) với giá từ 4-12 tỷ đồng/căn.
"Bong bóng" mới trong thị trường BĐS? ảnh 1
Khu chung cư EDEN ở Trung tâm TPHCM dân đòi giá hàng trăm triệu đồng/m2. Ảnh: Hà Phan

Chủ nhân các căn hộ cũ thì mừng ra mặt trong khi các chủ đầu tư còn trong quá trình thương lượng bồi thường CCC để đập bỏ lấy đất xây cao ốc lại lo sốt vó...

Chiều 20/3, Chủ tịch HĐQT một Cty sắp kết thúc thương lượng với giá 150 triệu đồng/m2 ở một CCC ngay trung tâm TP HCM nói với chúng tôi: “Mấy hôm nay, dân họ không chịu giá này nữa vì so sánh với vị trí chung cư 53-55 Bà Huyện Thanh Quan thì đây đắc địa hơn nhiều mà giá bồi thường chỉ cao hơn chút ít”.

Ông này than thở rằng Phú Hưng Gia đã “phá giá” và những doanh nghiệp đang thương thảo với dân sẽ rất khó khăn. Ông Võ Phúc Long, GĐ Cty địa ốc Đại Phúc nhận định:

“Đành rằng thuận mua vừa bán nhưng Phú Hưng Gia đồng ý đền bù cho người dân giá cao gấp đôi những căn hộ cao cấp nhất ngay tại Q.1, Q.3 mà giá chưa đến 100 triệu đồng/m2 thì không hiểu họ kiếm lời bằng cách nào và các chủ đầu tư khác sẽ xoay xở ra sao với những dự án sắp đền bù giải tỏa? ”.

Đại diện chủ đầu tư một dự án gần Nhà hát lớn TP (Q.1) cho biết ngay sau khi tin Phú Hưng Giá đền 12 tỷ cho một căn hộ lan ra thì nhiều hộ dân đã đòi nâng từ giá trung bình 195 triệu/m2 lên 250 triệu/m2! Với mức giá này, chủ đầu tư dự án trên khẳng định “chỉ có xây lậu thêm mấy tầng nữa mới may ra có lãi vì có căn hộ hơn 100m2 đòi đền bù gần 30 tỷ!”.

Nửa năm trở lại đây, càng sợ giá cao, chủ đầu tư càng chấp nhận đền bù nhanh gọn theo giá cao như Phú Hưng Gia và “đất vàng” có vị trí đắc địa ngày càng hiếm nên giá đền bù cứ thi nhau đội lên.

GĐ một Cty địa ốc tính: “Đền bù với giá trên 100 triệu/m2 thì chủ đầu tư phải xây cao gấp 3 lần hiện hữu và giá thuê trên 100 USD/m2 hoặc bán hơn 10.000 USD/m2 thì mới mong có lợi nhuận”. Tuy nhiên ông này cũng e ngại phong trào đua nhau xây cao ốc, căn hộ sẽ tăng, nguồn cung mạnh sau năm 2010 và giá có thể giảm.

Không chỉ gây khó cho các khu cao ốc cao cấp mà ngay cả chủ trương cải tạo các khu CCC của TPHCM theo nghị quyết 34/CP cũng đang gặp trở ngại. Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (P.1 Q.5) đang chờ … sập nhưng 1 năm qua chỉ đạo di dời khẩn của UBND TP HCM chưa thực hiện được vì dân chưa chịu giá và phương án đền bù.

Do nơi đây dự định đập đi xây cao ốc 20 tầng nên dân muốn TP đấu thầu để chủ đầu tư trúng thầu đền cao hơn giá xấp xỉ 10 triệu/m2 và bố trí tái định cư chỗ khác mà Q.5 đưa ra.

Giá căn hộ cũ tại chung cư này cũng đã tăng chóng mặt  từ 100-150 triệu giữa năm 2007 lên trên 500 triệu/căn hiện nay, dù chỉ mua bán giấy tay. Theo Sở Xây dựng TP HCM, thành phố  có 152 chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975 đến nay đã xuống cấp.

Trong đó 67 CCC xuống cấp nặng với khoảng 8.000 hộ dân sinh sống cần phải giải tỏa, xây dựng lại gấp nhưng cho đến nay vẫn chưa có CCC nào di dời, giải tỏa xong.

Vướng mắc lớn nhất là TP không có kinh phí để xây mới rồi bố trí tại định cư tại chỗ, còn giao hay đấu thầu thì chủ đầu tư lại đụng đền bù giải tỏa với giá ngày càng cao ngất ngưởng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó GĐ Sở Xây dựng TPHCM  cho hay ở rất nhiều CCC người dân đã có chủ quyền nên dân không chịu phương án, giá đền bù thì cũng khó “mời” họ ra khỏi nhà, còn doanh nghiệp đứng ra chắc chắn sẽ phải “thuận mua vừa bán”.

TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM nói: “Doanh nghiệp đền bù cao người dân được lợi nhưng cao hơn cả những căn hộ cao cấp nhất thì cần xem lại. Họ tạo ra một mặt bằng giá mới gây khó khăn cho các dự án khác. Tôi cho rằng các Cty địa ốc nên tính toán kỹ vì lợi ích chung của xã hội”.

Ông Đoàn Phúc, một chuyên gia trong ngành địa ốc đề nghị Nhà nước cần can thiệp khi các dự án có giá bán hay đền bù cao bất thường vì như cơn sốt địa ốc vừa qua, các doanh nghiệp thi nhau đẩy giá sẽ tạo ra “bong bóng”.

Ông Phúc khẳng định với giá đền bù 100 triệu/m2 trở lên như Phú Hưng Gia đã làm thì họ đang “phát động một cuộc đua mới đầy rủi ro bất trắc cho thị trường bất động sản và chính họ”. 

MỚI - NÓNG