BOT giao thông phải tìm dòng vốn khác, không thể mãi phụ thuộc vào ngân hàng

TPO - Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng tại tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 17/12.

Tại tọa đàm, nói về vấn đề từ năm 2016 đến nay, các ngân hàng “nói không với BOT giao thông” kể cả một số ngân hàng trước đây từng được xem như “bà đỡ” với lĩnh vực này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng bày tỏ: “Thứ nhất, dư nợ BOT không thật sự lớn lắm, khoảng 150.000 tỉ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ của nền kinh tế (8,8 triệu tỉ đồng). Tuy nhiên 4 ngân hàng hiện tại đang chiếm tỉ trọng lớn trong việc cung cấp dòng tiền cho BOT là BIDV, VCB, VietinBank và SHB lại đang gặp vấn đề về việc nợ xấu với BOT; mà trong 150.000 tỉ đồng dư nợ thì có tới 65.000 tỉ đồng đang có nguy cơ phải cơ cấu lại nợ, cho thấy tỉ lệ rủi ro với BOT rất lớn”.

Theo chuyên gia ngân hàng này, cho vay BOT rất đặc thù, đó là sự tài trợ với các dự án công và đây là hình thức cho vay tín chấp, nghĩa là không có tài sản thế chấp; trong khi thời gian cho vay BOT có vòng đời rất lâu, có thể đến 10, 20, thậm chí 30 năm mà chi phí rất lớn lại có nhiều rủi ro. Hiện tại, các ngân hàng có thể cho vay dài hạn tới 40% nguồn vốn, nhưng trong 3 năm tới có thể xuống 37%, 34%, 30%, mà càng rút ngắn vốn cho vay dài hạn thì các ngân hàng càng ít vốn tài trợ cho BOT, do đó các dự án BOT bắt buộc phải tìm các dòng vốn khác chứ không thể mãi phụ thuộc vào ngân hàng bởi dòng vốn của họ đang chạm giới hạn cho vay đối với BOT.

BOT giao thông phải tìm dòng vốn khác, không thể mãi phụ thuộc vào ngân hàng ảnh 1 TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng tại tọa đàm.

“Nguyên nhân khiến cho các dự án BOT trở thành nợ xấu với ngân hàng, thứ nhất là do dự án không đủ dòng tiền trả nợ, một số dự án đấu thầu xảy ra tiêu cực. Thứ hai là bởi nhiều dự án tiền khả thi và khả thi có tiến độ chậm chễ, đưa ra những bức tranh quá “màu hồng”, phi thực tế nên không mang lại doanh thu.Thứ ba, vấn đề thu phí không hiệu quả gây bức xúc cho người dân bởi phí BOT ngày càng tăng mà chất lượng dịch vụ không có sự cải tiến,…” TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chia sẻ quan điểm về việc “Nói không với BOT giao thông”, ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện BIDV cho hay: “Hiện nay ngân hàng này đang cho vay 32 dự án BOT với tổng dư nợ là 26.000 tỉ đồng. Doanh số mà BIDV cho vay các dự án BOT ở các giai đoạn trước rất lớn nhưng hiện tại đang tạm thời ngừng giải ngân. “Khi chúng tôi cho vay, đầu tiên phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ban, ngành liên quan. Thứ hai là rà soát xem các dự án có đáp ứng đầy đủ những yếu tố pháp lý, đánh giá năng lực tài chính, năng lực thi công của chủ đầu tư cũng như tính khả thi của dự án”, ông Hưng thông tin.

BOT giao thông phải tìm dòng vốn khác, không thể mãi phụ thuộc vào ngân hàng ảnh 2 Toàn cảnh tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông".

Bàn đến giải pháp để khơi nguồn và sử dụng hiểu quả tín dụng BOT giao thông, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của ngân hàng ADB phát biểu: “Tín dụng giao thông là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều đầu tư và nó là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của dự án. Do đó để các dự án BOT tìm được lối đi khả quan cần phải chú trọng vào khâu lựa chọn, thẩm định dự án, đánh giá được việc nó có mang lại giá trị gia tăng so với đầu tư công và có tính khả thi không? Tiếp đến là việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Thứ ba là thay đổi tư duy về vấn đề hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, theo đó sự hợp tác này phải bình đằng, lấy hợp đồng là cơ sở pháp lý để tạo niềm tin thì mới thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước,…”

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ: “Nợ xấu chiếm tỉ trọng trong dư nợ quốc gia không lớn nhưng lại tập trung vào các ngân hàng có tính chất đầu đàn của nhà nước nên phải có chính sách để ngân hàng thấy được lợi ích lâu dài và lợi ích xã hội của các dự án BOT, từ đó thu hút họ đầu tư để tạo ra hệ thống hạ tầng cho quốc gia. Cần xác định rõ ràng nghĩa vụ của nhà nước và doanh nghiệp trong các dự án BOT, nếu giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của nhà nước thì nhà đầu tư, doanh nghiệp phải làm đúng tiến độ và đền bù hợp lý cho dân. Đặc biệt, những tiêu cực trong một số dự án BOT một số năm qua cho thấy chúng ta cần phải rút ra bài học sâu sắc trong việc lựa chọn nhà thầu, do đó cần tiến tới mô hình lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp”.

BOT giao thông phải tìm dòng vốn khác, không thể mãi phụ thuộc vào ngân hàng ảnh 3 TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Cuối cùng, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, để tạo ra luồng gió mới cho các dự án BOT nên tăng tín dụng cho các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với việc huy động dòng vốn. Có một số dự án nhà nước phải đứng ra mua lại để cứu doanh nghiệp và ngân hàng mặc dù biết có rủi ro. Đặc biệt, nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp cần bàn về chính sách, chiến lược để thu hút vốn đầu tư riêng cho BOT mà Bộ GTVT đứng ra làm trọng tài để triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

MỚI - NÓNG