Diễn đàn kinh tế mùa xuân:

Bức xúc chi phí 'lót tay'

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang chậm tiến độ. Ảnh: Như Ý.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang chậm tiến độ. Ảnh: Như Ý.
TP - Kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố gần đây cho thấy, có đến 73% doanh nghiệp muốn được việc là phải “lót tay”; 43% dân chúng tiếp cận cơ quan phục vụ mình, tức là cơ quan hành chính là phải “lót tay”.

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21/4 tại Nghệ An.

Các đại biểu đã thẳng thắn “mổ xẻ” thành tựu, hạn chế của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đề nghị tiếp tục đổi mới.

Đề cập đến hết quý I/2015, GDP đạt mức tăng trưởng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, nền kinh tế đã và đang phục hồi. Tuy nhiên, chưa thể thoát khỏi đáy tăng trưởng.

Theo ông Thiên, nguyên nhân dẫn kinh tế phục hồi chậm là nợ xấu mới chỉ bị “xích lại” chứ chưa giải quyết được triệt để; tiến độ cổ phần hóa còn chậm; thủ tục hành chính nhiêu khê, bộ máy chồng chéo, công kềnh, còn làm việc theo kiểu “ngâm tôm”. “Nhiều khi bộ máy càng không làm việc thì thu nhập càng cao; càng đẩy doanh nghiệp vào chân tường thì bộ máy lại càng khỏe. Cái này đi ngược nguyên lý thị trường cần phải nhanh chóng xử lý”, ông Thiên nói.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phản ánh thực trạng bức xúc là chi phí “lót tay” của doanh nghiệp, của nền kinh tế đang diễn ra nghiêm trọng, phổ biến. Trong đó, kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố gần đây cho thấy, có đến 73% doanh nghiệp muốn được việc là phải “lót tay”; 43% dân chúng tiếp cận cơ quan phục vụ mình, tức là cơ quan hành chính là phải “lót tay”. Ông Kiêm đề nghị cần xem xét và xử lý thấu đáo tình trạng trên để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn.

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị cần xem lại, việc cắt giảm thời gian nộp thuế, hải quan có đúng thực chất như báo cáo không? Xem lại việc tái cấu trúc kinh tế nói nhiều nhưng đã làm được gì chưa? “Thú thật, tôi thấy chưa làm được gì hết”, ông Lịch nói và đề nghị: “Không kêu gào nữa. Chúng ta cứ thấy nước ngoài nói tăng trưởng hơn 6% là sướng. Nhưng tôi thì không thấy sướng vì chúng ta trả giá quá đắt để có mức tăng trưởng đấy”.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam cho rằng, việc hành động kém vì lợi ích nhóm chi phối, lợi ích nhóm cản trở nên quyết tâm chính trị không vượt qua được.

“Bộ máy quản lý, quản trị yếu kém cần phải sớm chấn chỉnh. Tôi đề nghị Quốc hội phải giải quyết, phải biến lời nói thành hành động. Tất cả các đại biểu Quốc hội đều đang là phụ trách các cơ quan nhà nước, sau khi bàn xong về địa phương hãy làm việc, hành động một cách cụ thể. Không có người đứng đầu quyết liệt thì không thể biến lời nói thành hành động được”, ông Hồ nhấn mạnh.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Theo ông Lịch, tất cả những hạn chế yếu kém ở trên có nguyên nhân chính từ thể chế. “Không gỡ được thể chế thì không gỡ được cái gì đặt ra trong ngày hôm nay”, ông Lịch bày tỏ quan điểm. Tại báo cáo tham luận gửi đến Diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho hay, đang tồn tại hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm lại tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngay khi mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp.

Cho rằng làn sóng đổi mới lần hai đã trở nên rất cần thiết, ông Cung khẳng định đó là mệnh lệnh, không thể không làm, dù rằng đổi mới lần hai sẽ khó khăn hơn bội phần so với đổi mới lần thứ nhất, cách đây 30 năm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thực tế chúng ta đã đổi mới lần thứ hai rồi. Bằng chứng là chúng ta đã chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập kinh tế sâu và rộng hơn…

Đề cập câu chuyện hội nhập, ông Khánh cho rằng, không thể đổi mới thành công nếu không hội nhập quốc tế. Ví dụ 90% cà phê của chúng ta là để xuất khẩu. Nhờ có hội nhập mà chúng ta có vốn, có công nghệ, có đầu vào tốt nhất. Mở cửa thị trường dịch vụ chúng ta có thị trường tốt hơn. Theo ông Khánh, chúng ta đang chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU…

Theo ông Khánh, khi tham gia vào các hiệp định trên nó sẽ mở ra các tiêu chuẩn để chúng ta hướng đến một nền kinh tế cạnh tranh, sản xuất lành mạnh, xóa bỏ mọi rào cản để phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả đầu tư công, tức là minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi tiêu tiền thuế của dân. “Chúng ta không cần phải lo lắng quá. Các doanh nghiệp chỉ lo cạnh tranh. Thông qua cạnh tranh, chúng ta sẽ có các doanh nghiệp mạnh”, ông Khánh trấn an.

Tuy nhiên, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, lại cho rằng, cạnh tranh đó trước hết là cạnh tranh về thể chế quốc gia rồi mới đến doanh nghiệp. Đây chính là nút thắt lớn nhất của chúng ta khi tồn tại quá nhiều bất cập. “Nếu cứ loay hoay trong các chuyện kinh tế này không giải quyết được gì. Nút thắt của ta không ở kinh tế mà ở ngoài kinh tế”, ông Lược nói.

Lệ thuộc FDI và Trung Quốc

Thảo luận tại Diễn đàn nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc vào FDI và Trung Quốc. GS Võ Đại Lược dẫn chứng, hiện nay xuất khẩu của chúng ta gần 70% là FDI. Mà với FDI, lợi nhuận thì họ mang về chứ đâu có để ở nước ta. “Khi chúng tôi sang Singapore làm việc, ông Lý Quang Diệu cho biết, chỉ có Mỹ đầu tư vào mới được ưu đãi. Còn lại kể cả Nhật Bản cũng không. Còn chúng ta ưu đãi hết, doanh nghiệp ở đâu đến cũng ưu đãi, công nghệ thế nào cũng ưu đãi”, ông Lược nói và đề nghị nên xem xét sửa lại Luật Đầu tư nước ngoài cho phù hợp.

Ông Trần Đinh Thiên thì chỉ ra một bất cập trong quan hệ thương mại, sản xuất công nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc là việc người Việt toàn sang Trung Quốc “cõng hàng” về để trong nước khỏi sản xuất; còn người Trung Quốc thì sang Việt Nam để cõng nguyên liệu, phụ liệu về cho trong nước sản xuất.

MỚI - NÓNG