Bùng nổ dịch vụ ATM và nỗi lo về nạn thẻ giả

Bùng nổ dịch vụ ATM và nỗi lo về nạn thẻ giả
Bên cạnh sự bùng nổ của ATM, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo: khách hàng sẽ phải đối mặt với nạn thẻ giả của bọn tội phạm trong lĩnh vực này.

Nếu như từ những năm trước đây trên toàn quốc chỉ có khoảng vài trăm máy ATM thì đến thời điểm tháng 3, cả hệ thống đã có gần 2.000 máy rút tiền tự động ATM và khoảng 2,1 triệu thẻ ATM được đưa vào sử dụng. Từ một dịch vụ khá lạ lẫm với số lượng khiêm tốn, hiện tại dịch vụ này đang phát triển vớt tốc độ chóng mặt, năm 2005 riêng thẻ tín dụng ATM đã có mức tăng trưởng tới 300%.

Dịch vụ thẻ ATM đang dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người với hàng loạt tiện ích của nó. Tuy nhiên, bên cạnh sự bùng nổ của ATM, nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo: Việt Nam sẽ phải đối mặt với nạn thẻ giả của bọn tội phạm trong lĩnh vực này.

Sau khá nhiều những sự cố như bị máy "nuốt thẻ", đang rút tiền nhưng bị mất điện, máy bị treo hoặc máy hết tiền... thời gian qua những vụ bị mất tiền từ thẻ ATM của khách hàng đã xảy ra. Hầu hết khách hàng khiếu nại đều cho biết họ không hề rút tiền, không hề sử dụng thẻ nhưng khi kiểm tra thì mới phát hiện mình bị mất tiền. Có những vụ chỉ mất vài triệu đồng, nhưng cũng có những vụ số tiền bị đánh cắp đã lên đến hàng chục triệu. Trong số đó có những vụ việc phải đưa ra tòa giải quyết như vụ mất tới 30 triệu đồng của chị Trần Thị Thanh Thùy (Hà Nội).

Các chuyên gia trên lĩnh vực này khẳng định: có những sự cố mà lỗi thuộc về hệ thống như do mất điện, lỗi đường truyền, thời tiết hay vì không kịp nhập tiền vào máy... nhưng hầu hết các vụ mất tiền đều có nguyên nhân từ người sử dụng thẻ. Trở lại các trường hợp bị mất tiền, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, một giao dịch thẻ được thực hiện khi đủ hai yếu tố thẻ và Pin. Bởi vậy việc bảo mật Pin và bảo quản thẻ là rất quan trọng. Chính vì vậy, những người sử dụng thẻ ATM bị mất tiền thường xuất phát từ các nguyên nhân như: dùng chung thẻ, nhờ người khác rút tiền hoặc để lộ mã Pin cho người khác biết.

Tuy nhiên, mối lo ngại nhất hiện nay chính là tình trạng sử dụng thẻ giả để rút tiền từ các máy ATM. Để tạo ra các thẻ giả, đối tượng đã lên mạng để mua thẻ trắng và máy ghi thẻ với giá rẻ đến bất ngờ. Sau khi có được những phương tiện này, chúng thường tấn công vào các cơ sở dữ liệu của một số công ty bán hàng qua mạng để ăn cắp các dữ liệu về thẻ đã được sử dụng để thanh toán.

Bên cạnh đó, bọn chúng còn tạo ra các website giả danh các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, thậm chí là cả website giả danh ngân hàng phát hành thẻ để lừa gạt chủ thẻ cung cấp các thông tin cá nhân liên quan, trong đó đặc biệt là mã số Pin. Sau khi có được những thông tin này, chúng tiến hành in thẻ giả và sử dụng số Pin mà khách hàng cung cấp để rút tiền tại các máy ATM.

Cuối tháng 12-2005, Công an Hà Nội đã phát hiện ba đối tượng làm và sử dụng thẻ ATM giả. Chỉ trong vòng vài tháng, những đối tượng này đã tạo ra hàng chục chiếc thẻ giả sau đó rút trót lọt gần 1 tỷ đồng từ các máy rút tiền tự động. Rất may là bọn chúng đã ăn cắp dữ liệu của thẻ được phát hành tại Mỹ nên các ngân hàng trong nước hoàn toàn không bị thiệt hại gì từ vụ ăn cắp táo tợn này.

Đại diện một số ngân hàng cũng cho biết: Tình trạng một số thẻ tín dụng quốc tế khi đưa ra nước ngoài chi tiêu, lúc trở về đã phát hiện bị làm giả và bị rút mất tiền. Tại Việt Nam đã có những trường hợp nhân viên thu tiền từ các điểm bán hàng chấp nhận thanh toán thẻ câu kết với các đối tượng tội phạm công nghệ cao cài thêm thiết bị lấy cắp dữ liệu thẻ vào máy chấp nhận thẻ của ngân hàng, sau đó phát dữ liệu thẻ của khách hàng trả tiền.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì thủ đoạn đánh cắp của bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Phổ biến nhất vẫn là việc các đối tượng này gắn camera trên các máy rút tiền và ghi trộm số Pin của người rút tiền, sử dụng máy đọc và lưu trữ gắn ở vị trí nuốt thẻ trên thân máy ATM để đánh cắp dữ liệu, sau đó dùng những thông tin này để làm thẻ giả đàng hoàng "móc túi" tài khoản người khác.

Biện pháp nào để ngăn chặn?

Bên cạnh những rủi ro trên, hệ thống ATM ở Việt Nam vẫn đang bị đối xử một cách khá "thô bạo". Xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về cấu tạo của những "ngân hàng di động" bên lề đường này, thời gian vừa qua không ít những kẻ "giàu trí tưởng bở" đã tấn công vào máy ATM để cướp tiền. Năm 2005 tại TP Hồ Chí Minh, một đối tượng đã ngang nhiên vác gậy tới phá máy ATM để hòng kiếm chác ít tiền.

Gần đây nhất là ngày 12-4 vừa qua tại máy rút tiền ATM của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (TP Hồ Chí Minh), một đối tượng đã dùng súng nã liên tiếp nhiều loạt đạn vào máy ATM về mục đích cướp tiền. Dĩ nhiên là chẳng bao giờ có chuyện dăm ba nhát búa, vài loạt đạn là chiếc tù tiền này vỡ toác ra để "mời các anh xơi".

Hậu quả của việc "mù" kiến thức về ATM như trên chỉ có thể làm xây xước, hỏng hóc máy ATM. Một chuyên gia trên lĩnh vực này cho biết: Tất cả các máy ATM đều được nhập từ nước ngoài về Việt Nam và đều có hai hệ thống khóa. Bên trong những máy ATM là "két sắt đặc dụng". Để cướp được tiền từ những "két sắt đặc dụng" nặng từ 600-800kg này là điều khó có thể thực hiện được. Thậm chí, nếu có dùng xe chuyên dụng cẩu ATM đi nơi khác sau đó cũng khó mà lấy được tiền từ trong máy.

Đối mặt với những rủi ro và nguy cơ của loại tội phạm này, các nhà cung cấp dịch vụ thẻ ATM đã phải xắn tay vào cuộc để đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến cáo và ngăn ngừa tình trạng gian lận thẻ. Hiện tại, nhiều ngân hàng cũng đã rục rịch chuyển từ việc dùng thẻ từ (dễ bị làm giả) sang sử dụng thẻ chíp nhằm nâng cao tính an toàn hơn cho người sử dụng và tăng cường hàng loạt các biện pháp đảm bảo an ninh khác. Đầu tháng 4-2006 vừa qua, Hiệp hội Thẻ cùng các ngân hàng đã tổ chức một cuộc hội thảo để bàn về các biện pháp phòng ngừa gian lận thẻ.

Ông Đặng Công Hoàn - Trưởng phòng Hệ thống thanh toán thẻ thuộc Trung tâm Thẻ Techcombank cho biết: Để ngăn ngừa các rủi ro thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo mật của khách hàng và hệ thống của ngân hàng. Chính vì vậy, người sử dụng thẻ cần phải hết sức cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về thẻ ATM của mình cho người khác. Đặc biệt, cần phải cảnh giác về những thư, Email yêu cầu tương tự như trên vì các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân có liên quan tới thẻ qua các hệ thống này.

Theo Công an nhân dân

MỚI - NÓNG