Bùng nổ ứng dụng gọi xe: Sau hụt hẫng là đua nước rút

Bùng nổ ứng dụng gọi xe: Sau hụt hẫng là đua nước rút
TP - Sau thời gian hụt hẫng trước Uber và Grab, các doanh nghiệp (DN) taxi và giới công nghệ thông tin Việt Nam dồn dập cho ra lò các sản phẩm công nghệ gọi xe trực tuyến. Đó là cuộc hội nhập gấp gáp, đầy chật vật nhưng không có cách nào khác…
Bùng nổ ứng dụng gọi xe: Sau hụt hẫng là đua nước rút ảnh 1

Taxi truyền thống sau cơn bĩ cực đang trở lại với cuộc đua công nghệ.

Dồn dập

Thử tìm kiếm và cài đặt phần mềm gọi xe taxi trên điện thoại thông minh, chúng ta sẽ bất ngờ với số phần mềm (app) gọi xe của các hãng taxi Việt Nam. Ngoài những cái tên đình đám trong “làng” taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun hay Taxi Group, các hãng taxi nhỏ hơn như Vạn Xuân, Sao Hà Nội, Đất Cảng… đã xuất hiện trên kho ứng dụng.

Không chỉ các thành phố lớn, các hãng ở các tỉnh thành, như Sông Lam taxi (Nghệ An), Kinh Bắc taxi (Bắc Ninh) hay Taxi Phú Quốc (Kiên Giang)… cũng bước vào cuộc đua công nghệ gọi xe. Số lượng các DN taxi có phần mềm gọi xe, bao gồm cả tính năng thanh toán trực tuyến đã vượt xa con số 7 DN (trừ Uber và Grab) được Bộ GTVT cho thí điểm.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho hay, bên cạnh những điều bất bình đẳng trong quản lý Uber, Grab khiến cho taxi truyền thống chao đảo thì công nghệ của họ đáng phải học tập. Ông Huy từng tuyên bố sẽ làm toàn bộ những gì Uber và Grab đang làm và sẽ làm tốt hơn. Sau lời tuyên bố đó, trên giao diện phần mềm Mai Linh Car, ngoài xe taxi, liền xuất hiện dòng xe hợp đồng như Uber, Grab (Mai Linh Car). Bất ngờ hơn, ông chủ Mai Linh quyết làm Mai Linh Bike - dòng xe ôm công nghệ như Uber và Grab đang có để “không thể chịu thua trên sân nhà”. Vinasun - ông lớn khác ngành taxi phía Nam cũng đã hiển thị giá cước ngay khi khách gọi xe, đưa thêm các dòng xe đắt tiền như Lexus vào ứng dụng để phục vụ khách. Nhiều hãng taxi cũng đưa vào ứng dụng của mình loại “taxi không mào” như Uber và Grab.

Nếu như Uber và Grab chỉ mới cấp dịch vụ di chuyển bằng ôtô và xe máy (chủ yếu trong nội thành), các DN vận tải đường bộ, DN công nghệ của Việt Nam đã sớm đa dạng hoá dịch vụ. Từ đơn giản nhất là hình thức bán vé xe khách trực tuyến (như vé máy bay, tàu hoả), nhiều DN tiến nhanh đến các sàn giao dịch vận tải điện tử, cả với vận chuyển khách và hàng hoá trên chặng dài.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, đại gia công nghệ Viettel bắt tay với “ngựa ô” Gonow trong dự án sàn giao dịch vận tải hành khách. Ngay sau đó, Gonow nhanh chóng được Tổng cục Đường bộ giới thiệu với các địa phương, DN.

Bùng nổ ứng dụng gọi xe: Sau hụt hẫng là đua nước rút ảnh 2

Số lượng ứng dụng gọi xe của các hãng taxi Việt đang tăng mạnh là điều vừa mừng vừa lo. Ảnh: Bảo An.

Không còn đất cho kinh doanh lén lút, manh mún

Vậy cơ sở nào để DN Việt tuyên bố “không thể thua Uber và Grab” trên sân nhà? Ông Huy cho hay, sẽ cạnh tranh toàn diện dựa trên việc học tập công nghệ và am hiểu thị trường bản địa. Cụ thể, với số lượng xe taxi lớn (15.000 xe), cộng với các biện pháp nhân rộng hệ thống taxi không mào (Mai Linh Car), rồi Mai Linh Bike, Mai Linh kỳ vọng nhanh chóng bao phủ rộng khắp, khách gọi là có xe.

 Về giá, ông Huy cho hay, Uber và Grab vừa qua huy động nguồn tiền từ quỹ đầu tư mạo hiểm, họ chịu lỗ để tung các khuyến mãi, thưởng doanh thu để thu hút lái xe và khách hàng. Nhưng, họ đã và đang dừng lại các biện pháp đó để lấy lại vốn và đây cơ hội để các hãng taxi vượt lên. “Với taxi, việc sử dụng công nghệ để tiết kiệm phí quản lý, mua xe mới giá rẻ… sẽ giúp Mai Linh có giá cước bằng với Uber và Grab. Với Mai Linh Car, chúng tôi chỉ thu mức phí dịch vụ 15% của lái xe, thấp hơn mức 20% mà Uber và Grab áp dụng sẽ đủ sức thuyết phục tài xế. Ngoài ra, hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa xe nội bộ giá rẻ, mua bảo hiểm nhân thọ cho lái xe… sẽ là điểm cộng của Mai Linh với tài xế. Với giá rẻ, việc quản lý nhân viên chặt chẽ, thậm chí đào tạo họ như những hướng dẫn viên du lịch... chắc chắn sẽ thuyết phục được khách hàng” - ông Huy nói.

Trở lại thử nghiệm cài đặt các app gọi xe nêu trên, sẽ có một tình huống khó xử: Lượng ứng dụng gọi xe của các hãng được tìm thấy và cài đặt đầy kín màn hình điện thoại. Tất nhiên, người dùng không thích những icon (hình ảnh biểu tượng phần mềm) chi chít, rối mắt đó. Vì thế, việc tích hợp, hội tụ đang là câu chuyện cần được đặt ra.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, GĐ điều hành của mô hình HTX Vận tải Toàn Cầu (tại Hà Nội) cho biết, cái màn hình kín đặc icon là lý do để ông phát triển ứng dụng Noicar. Trên phần mềm đó, ông sẽ kêu gọi các hãng taxi, hãng vận tải cùng tham gia khai thác.

Ở nước ta, HTX nói chung đang được coi là một mô hình cũ nhưng ông Tuấn đang hướng đến mô hình HTX điện tử, kiểu mới. Xã viên HTX có thể là DN hoặc cá nhân liên kết một cách linh hoạt. Khi xã viên muốn mua xe, HTX sẽ kêu gọi các DN thành viên đứng ra vay hộ với lãi suất thấp; khi xe hỏng sẽ có thành viên chuyên sửa chữa cung ứng với giá nội bộ… “Cả quy trình khép kín như vậy sẽ mang lại lợi ích cho xã viên và xã hội. Công nghệ hiện nay cho phép chúng ta làm mọi thứ từ mua xe, đặt dịch vụ sửa chữa, nhận đơn hàng chỉ qua một click chuột ” - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, sự tiện dụng của click chuột đó không phải cá nhân, tổ chức nào cũng hấp thụ được. Một chuyên gia vận tải phản ánh: Chủ DN vận tải Việt Nam thường muốn lén lút thực hiện đơn hàng để giấu nghề và không phải nộp thuế. Nếu trưng hết giá thành, đơn hàng lên hệ thống sẽ khó có thể trốn thuế (việc Cục Thuế TPHCM phạt, truy hơn 66 tỷ đồng thu thuế của Uber là ví dụ điển hình). Tuy nhiên, ông Tuấn phân tích: Một ca xe mang lại cho lái xe 1 triệu đồng. Nếu không lên sàn giao dịch điện tử, họ phải gọi điện kiếm nguồn hàng, có thể gọi được hoặc không, khi thực hiện xong ca xe đó lái xe lại phải gặp gỡ, giao lưu, lại quả cho đối tác. Trong khi, “nếu họ chấp nhận bỏ 50.000 - 1 trăm nghìn đồng và nộp thuế cho cuốc xe 1 triệu, về tổng thể, lâu dài, chủ xe  sẽ có lợi hơn” - ông Tuấn nói.

Việc áp dụng công nghệ giúp nhà nước nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện, kiểm soát điều kiện đối với phương tiện, hành trình chuyến xe, công tác thu nộp thuế được kiểm tra, hướng dẫn để DN chấp hành tốt hơn.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, các DN vận tải cần vượt qua thói quen, cám dỗ trước mắt của kinh doanh manh mún, tiến tới áp dụng công nghệ nếu không muốn tụt lại sau làn sóng công nghệ đang thay đổi từng ngày.

MỚI - NÓNG