Bươn chải hậu COVID-19: Vật lộn mưu sinh

Bà Huỳnh Thị Thu Thạnh tranh thủ nhặt ve chai đem về phòng trọ sau giờ tan ca
Bà Huỳnh Thị Thu Thạnh tranh thủ nhặt ve chai đem về phòng trọ sau giờ tan ca
TP - Bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc do đại dịch COVID-19, nhiều công nhân, lao động tự do nỗ lực vượt khó, bươn chải kiếm sống.

Không than vãn, không nề hà mưa nắng, sớm hôm hay nặng nhọc, vất vả, nhiều công nhân chủ động lao ra ngoài tìm việc nhằm thêm nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.

Sáng làm công nhân, tối nhặt ve chai

Vẫn mặc áo công nhân, bà Huỳnh Thị Thu Thạnh (53 tuổi, quê An Giang) khệ nệ vác bao ve chai về phòng trọ ở TPHCM. Chưa kịp uống ngụm nước, bà đổ vội chiếc bao để kiểm kê “thành quả” thu được. “Nay may quá, nhặt được khá nhiều vỏ lon bia, lon nước ngọt. Có hôm chỉ toàn nhặt được chai nhựa với ni-lon, bán không được mấy đồng”, bà Thạnh nheo mắt nói. Bà kể bà là công nhân Công ty TNHH SX-TM Cẩm Long (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TPHCM) chuyên sản xuất bao bì, túi xốp. Dù có thâm niên 10 năm trong nghề, nhưng lương chưa tới 6 triệu đồng/tháng. “Chồng và con gái tôi cũng làm cùng công ty, ngày làm 12 tiếng, ra khỏi xí nghiệp là thở không ra hơi. Muốn làm thêm việc khác để có tăng thu nhập cũng rất khó”, bà Thạnh tâm sự.

Dịch bệnh khiến đồng lương công nhân thêm teo tóp. Để đủ chi phí sinh hoạt, bà Thạnh nhặt nhạnh vỏ chai, vỏ lon, lõi băng keo, giấy lộn, bìa cứng, bao xốp, dây kim loại hỏng… trong xí nghiệp và những khu vực lân cận để bán. Trong phòng trọ chừng 12m2, giá thuê 2,7 triệu đồng/tháng, 5 người trong gia đình bà Thạnh chen chúc nhau ngủ chung với ve chai. “Một tuần tôi gom bán một lần, trước vỏ lon còn bán được 1.000 đồng/kg, nay chỉ còn 500 đồng/kg. Bán được 50.000-70.000 đồng, tôi dành dụm mua thêm sữa cho cháu ngoại đang học mẫu giáo. Giờ có ai thuê tôi đi rửa chén, giặt đồ thêm buổi tối tôi cũng nhận. Làm gì ra tiền thì tôi đều cố gắng”, bà nói.

Phóng viên phải chờ khá lâu mới có thể trò chuyện được với anh Võ Trung Tiến (37 tuổi, quê Kiên Giang), công nhân K3 xưởng P1G1 công ty PouYuen, bởi anh tất bật dắt, xếp xe cho khách. Chưa kịp cất tấm thẻ công nhân vẫn cài trên áo, anh Tiến vội vàng bắt tay vào công việc giữ xe, làm từ 16-20h, với thù lao 80.000 đồng. Chỉ tay ra xa, anh bảo, vợ cũng trông giữ xe với mình. “Mỗi ngày, chúng tôi kiếm thêm được 160.000 đồng từ việc giữ xe cho chủ. Dù rất mệt bởi xe công nhân rất đông, hớ hênh để mất xe khách là lãnh đủ... Số tiền này giúp chúng tôi yên tâm phần nào được khoản chi tiêu ăn uống”, anh Tiến nói.

Vũ Tấn Bình (18 tuổi, quê Sóc Trăng) ngoài giờ làm công nhân cũng xin vào phụ giữ xe. Bình bảo, mới làm công nhân nhưng trúng ngay mùa dịch nên không được bao nhiêu tiền. Ánh mắt xa xăm, chàng công nhân trẻ tâm sự: “Gia đình còn có mẹ và anh trai cùng làm công nhân, lo cho cha già bệnh nặng. Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống công nhân thêm cơ cực. Chưa bị liệt vào danh sách sa thải nên mình càng phải cố gắng nhiều. Nhờ bà chủ thương tình, nhận cả 2 anh em vào làm để đỡ đần gia đình”.

Chạy chợ

Ở một góc khu chợ cóc trên đường An Dương Vương, Q.6, TPHCM, chị Đào Thị Hà (34 tuổi, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) tất bật bán rau cho khách. Chị tâm sự, quê ở tận Nghệ An, làm công nhân gần 5 năm nhưng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Nay con chuẩn bị vào lớp 1, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng khiến chị thêm lo.

“Hơn tháng nay, tôi tìm được việc phụ bán rau ở chợ, lương 50.000 đồng/buổi. Ngày nào làm 2 buổi được trả 100.000 đồng. Nếu cố gắng, mỗi tháng cũng có thêm gần 2 triệu đồng, vừa đủ đóng học phí cho con”, chị Hà nói. Chỉ tay vào quán nhậu cạnh đó, chị cho biết, nhiều nữ công nhân trẻ làm thêm ở các quán nhậu, hàng ăn. Họ làm phục vụ, tiếp bia…, hưởng lương cứng và tiền “bo”, nhưng có khi phải làm tới 1 giờ sáng mới về. “Mình lớn tuổi lại có con nhỏ, chỉ có thể xin phụ bán rau trái”, chị Hà nói.

Ngay khi bị mất việc ở Công ty Pungkook Sài Gòn (Q.7, TPHCM) do công ty không có đơn hàng, chị Nguyễn Thị Lai (41 tuổi) chuyển sang nhận may đồ thun cho các xưởng tư nhân. Mỗi bộ may hoàn chỉnh, chị Lai nhận được 10.000 đồng. Nếu chịu khó, mỗi ngày cũng có thể ráp được 10-15 bộ, kiếm hơn trăm ngàn đồng. “Tôi và chồng đã ly hôn, một mình nuôi con nhỏ, năm nay lên lớp 6. Một mặt, tôi rải hồ sơ các xí nghiệp gần phòng trọ. Mặt khác, tôi nhận hàng về nhà gia công kiếm đồng ra đồng vào. Mình có nghề, mình không thể chết đói”, chị nói.

Hỗ trợ tìm việc

Nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp, một số trung tâm dịch vụ việc làm ở  TPHCM tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), để tạo điều kiện cho người lao động sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm đã tăng cường thu thập thông tin cung - cầu lao động qua website vieclamhcm.net của Trung tâm; thường xuyên kết nối với doanh nghiệp nắm bắt thông tin về vị trí việc làm cần tuyển dụng và cập nhật lên website để người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu; kết nối người lao động và doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Trung tâm còn phối hợp Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện để hỗ trợ công tác tuyên truyền và kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động thông qua hình thức trực tuyến. Người lao động cũng được mời đến tham gia các phiên sàn giao dịch việc làm và được doanh nghiệp tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM cho hay đang phối hợp các cơ sở để tập hợp danh sách người lao động bị mất việc, chưa có việc làm nhằm kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với các quận, huyện tổ chức các chương trình ngày hội việc làm, chương trình tiếp xúc người lao động…

“Đang rất cần tiền để lo cho con vào năm học mới, đúng lúc này lại thất nghiệp khiến tôi hụt hẫng. Buồn có, lo có nhưng nếu cứ ngồi chờ thì chẳng ai có thể giúp mình lâu dài”. 

Chị Nguyễn Thị Lai, công nhân mất việc tại quận 7, TPHCM

MỚI - NÓNG