Buôn hộ chứng khoán

Buôn hộ chứng khoán
TP - Chẳng cần nhiều kiến thức, cũng không phải chen lấn trên sàn hàng ngày... nhiều nhà đầu tư vẫn có thể nhảy vào thị trường chứng khoán thông qua hình thức buôn bán “hộ” đang nở rộ gần đây tại TP.HCM.
Buôn hộ chứng khoán ảnh 1

Những dòng quảng cáo “cần hợp tác với đối tác có vốn, ít kinh nghiệm, không có thời gian giao dịch trên sàn, lợi nhuận cao...” đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Nguyễn Hoàng A. vốn là giám đốc một Cty xây dựng tư nhân làm ăn èo uột nên quyết định gom hơn 100 triệu đồng còn lại đầu tư chứng khoán. Từ tháng 11/2005 đến nay, danh mục đầu tư 14 loại cổ phiếu của anh đã mang lại món lời hơn 75 triệu đồng và sau Tết Đinh Hợi, anh chuyển hẳn sang nghề mới: buôn bán hộ chứng khoán.

Tìm kiếm khách hàng thông qua bạn bè, người quen chưa đủ, A. đăng hẳn rao vặt trên  tờ Mua & Bán. Hình thức “hợp tác” khá rõ ràng : gặp nhau bàn thảo nếu “ OK”, hợp đồng sẽ được lập tại Cty xây dựng kiêm nhà riêng của A. với những điều khoản chính: khách bỏ vốn dưới 1 tỷ thì sau 3 tháng chia lời 50/50, lỗ A. chịu hoàn toàn.

Trên 1 tỷ lời lỗ đều chia theo tỷ lệ khách 80, A. 20 và không được rút vốn trước hạn 3 tháng, mua bán gì A. đều thông báo đến khách hàng, cứ sau 3 tháng lấy giá thời điểm ấy trừ đi giá mua mà tính lãi, lỗ.

Sau khi giao tiền người đứng tên tài khoản là A., còn khách hàng chọn lựa một trong hai cách : kiểm soát A. mua bán gì thông báo ngay hoặc A. làm gì kệ, cứ 3 tháng có lãi thì lấy, không rút vốn về, vui vẻ hợp tác tiếp.

Thật ra thì đây là hình thức huy động vốn để buôn chứng khoán mà hai bên đều có lợi (có lẽ chỉ trong thời kỳ lên giá), còn nếu khách có thời gian kiểm tra, kiểm soát A. giao dịch thế nào thì họ tự làm còn hơn...

Chỉ mới “quảng cáo” rộng rãi từ hơn tháng nay nhưng đến 14/3/2007, A. có 4-5 khách hàng, trong đó có khách tận Đà Nẵng đã chuyển cho anh 200 triệu để cùng hợp tác đầu tư.

Trên sàn BCS mà A. đang “hành nghề”, có khoảng 6 người đang buôn hộ như anh. A. tự nhận anh chỉ “làm ăn nhỏ”, lấy công làm lời, còn tại các sàn lớn khác như SSI, VCBS, ACBS... thì đông đúc và hợp tác “hoành tráng” hơn nhiều.

Buôn hộ cả OTC

Nổi danh tại sàn SSI là “lộc nhiều, thắng lớn” nhưng do quá nhiều “đại gia” tiền tấn nhảy vào TTCK  gần đây nên số vốn gần 10 tỷ đồng của Đặng Văn Long (vốn là dân sale của Unilever Việt Nam) “chẳng còn nghĩa lý gì”.

Bạn bè, khách hàng cũ biết tiếng đã nhờ Long chơi hộ nhưng anh nói thẳng: “Lỗ tôi chịu, lời tôi lấy 40 và phải trên 1 tỷ mới nhận, chịu thì chơi”. Long cho rằng “thà thẳng thắn như vậy chứ buôn chung mỗi người một ý chỉ bàn không đã phát mệt mỏi, rắc rối”.

Làm từ 9/2005 đến nay mãi rồi khách hàng của Long cũng lên đến gần 20 và ai cũng hả hê vì thời gian qua chỉ thắng chưa thua, giờ thì thân sơ Long nhận hết miễn là cứ có bạc tỷ trở lên vì “tôi tính rồi, số vốn hơn 32 tỷ tôi đang quản lý nếu có sàn có vỡ thì lời mấy tháng nay cũng đủ bù”.

Khác với Long, Đinh Thị Thu Vân (sàn Bảo Việt) lại chỉ buôn hộ cổ phiếu OTC vì “có lên xuống cũng không nhảy múa đỏ quạch như trên sàn khách đỡ sốt ruột, mình khỏi phân tâm”.

Tuy nhiên Vân bỏ qua một lý do mà dân trong nghề ai cũng hiểu: OTC dễ “luồn lách, lươn lẹo” để tăng, giảm khoản lời, lỗ để cô thu lợi nhiều hơn khách dù ăn chia 50/50.

Nghề này không cần trụ sở, nhân viên nhưng muốn đông khách và làm ăn lâu dài phải giữ chữ tín, có nhà cửa đàng hoàng và chưa có “tiền án, tiền sự” xù hay giật nợ.

Lượng khách hàng lớn nhất của kiểu kinh doanh này theo A., Long và Vân là những vị quan chức không thể ra mặt buôn bán chứng khoán nhưng vẫn muốn kiếm lợi hay có mục đích nào khác từ cơn sốt chứng khoán hiện nay.

Tuy nhiên trong cảnh hỗn độn hiện nay của TTCK thì không ít kẻ đã lợi dụng để chiếm dụng vốn, chây ì, thậm chí lừa đảo. Thắng lớn như 3 tháng qua thì không sao chứ rơi như diều gặp gió mấy ngày qua thì không ít người lo ngại tái diễn cảnh như hồi tháng 5,6/2006 khi TTCK tụt dốc không phanh.

Vì không bán được cổ phiếu do chẳng ai đặt lệnh mua, nhiều khách hàng đã bị khất mãi thời hạn “thanh lý hợp đồng”, phần khác do người buôn “hộ” hy vọng cổ phiếu lên lại để khỏi bù lỗ hay gỡ gạc nên nhiều khách hàng tiến thoái lưỡng nan. Lãi thì chẳng thấy đâu mà tiền chưa biết khi nào đòi được vì hợp đồng đầy sơ hở và cũng chỉ là quan hệ dân sự.

Ngay cả trong thời kỳ ăn nên làm ra cũng không ít trò ma mãnh mà khách hàng luôn chịu thiệt. Do hợp đồng không rõ ràng nên sau khi báo loại cổ phiếu đã mua lần đầu, những tay buôn “hộ” đã phù phép để đồng vốn quay hàng chục vòng và chỉ báo lại khách một vài lần mua bán với tiền lãi tối thiểu cho có lệ.

Còn khách hàng, dẫu có mất mát chút ít hay bị chiếm dụng vốn, nhiều  người cũng đành im lặng vì khó mà chứng minh tiền tỷ từ đâu ra để nhờ buôn “hộ” chứng khoán....

MỚI - NÓNG