Buôn lậu mùa nước nổi: Lực bất tòng tâm

Ngà voi bị bắt giữ ở Hà Tiên, Kiên Giang
Ngà voi bị bắt giữ ở Hà Tiên, Kiên Giang
TP - Thời điểm này các tỉnh biên giới Tây Nam nước ngập mênh mông, cùng với đó là hoạt động buôn lậu gia tăng khiến công tác đấu tranh, phòng chống của các lực lượng chức năng trở nên vô cùng khó khăn.

Hoạt động ngày đêm

Thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc (An Giang) nói với phóng viên Tiền Phong: “Đoạn biên giới đồn phụ trách có nhiều kênh rạch, đường mòn cắt qua. Mùa nước nổi trên toàn tuyến nước ngập sâu 2,5 - 3,5m, các đối tượng sử dụng phương tiện thủy chạy với tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về đến kênh Vĩnh Tế (Việt Nam), mất chưa đầy 5 phút, vì thế gây khó khăn trong công tác đấu tranh ngăn chặn”. 
Hàng hóa chủ yếu là đường cát và thuốc lá từ bên kia biên giới thuộc tỉnh Tà Keo, Campuchia đưa sang Châu Đốc. Thượng tá Nam giải thích, từ Campuchia các đối tượng buôn lậu chỉ mất dăm phút là đưa hàng vượt qua được kênh Vĩnh Tế đến ngay trung tâm thành phố Châu Đốc để tỏa đi nhiều nơi. 

Hơn 2 tháng nay, Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp các lực lượng chức năng bắt được nhiều vụ, điển hình như 3 ô tô và 1 ghe gỗ vận chuyển trái phép gần 100 triệu đồng, cùng hàng chục tấn đường lậu qua biên giới. “Để bắt được các đối tượng vận chuyển trái phép vô cùng gian nan, trinh sát phải mật phục ngày đêm theo dõi, nắm tình hình. Hơn nữa, bọn chúng rất tinh vi từ đầu đường, cách đồn hơn chục cây số là có người canh chỉ cần động tĩnh hay có người lạ vào đồn thì bọn chúng sẽ dừng ngay”, ông Nam nói.  

Thượng tá Hoàng Văn Nam chia sẻ, bây giờ sóng to, vỏ lãi của đơn vị cũ kỹ ra giữa đồng không khéo bị giông gió giữa bốn bể nước lật chìm như chơi rất nguy hiểm cho chiến sỹ. 

Theo thượng tá Nam, nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chứ còn bắt buôn lậu lực lượng biên phòng chỉ kết hợp với các ngành chức năng làm, trong khi đơn vị quản lý 15,4 km biên giới mà hiện nay nước mênh mông, chỗ nào buôn lậu cũng chạy sang được thì làm sao đủ lực lượng để bảo vệ. “Ban đêm anh em đi tuần tra mệt mỏi, ban ngày còn sức đâu học tập, huấn luyện”, thượng tá Nam nói.

Tại tỉnh Đồng Tháp, buôn lậu ở các xã Tân Hội, Tân Hộ Cơ (Tân Hồng), Thường Phước 1, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự). Trong nội địa, tại khu vực nội ô thị xã Hồng Ngự là nơi trung chuyển hàng lậu (theo đường bộ, đường sông) về thành phố Cao Lãnh, TPHCM và các tỉnh lân cận.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chống buôn lậu tại tuyến biên giới Đồng Tháp - Prây Veng (Campuchia) là khó nhất vì ở đây có nhiều đường mòn, lối mở, sông ngòi, kênh rạch qua lại, phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Trong khi đó, lực lượng chống buôn lậu mỏng. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp Võ Phát Đạt cho biết, ngành Hải quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động quần chúng không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại... 

“Xe gắn máy chở 4 tải thuốc mới chạy ngang nhà tôi lúc gần 19 giờ ngày 23/9. Bọn chúng chạy đến khoảng 20 giờ sau đó ngưng đến nửa đêm chạy thêm lần nữa”, ông N.V.N ở thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên, An Giang) nói với phóng viên Tiền Phong. Nhà ông N. ở cặp kênh Vĩnh Tế, gần khu vực buôn lậu chở hàng từ Campuchia về nên ông chứng kiến buôn lậu chạy ngang nhà hằng ngày. “Bây giờ buôn lậu rất phức tạp, kể cả ngày lẫn đêm. Hàng hóa từ Campuchia chở đường đồng sang bờ kênh Vĩnh Tế rồi lên xe gắn máy chạy “bạt mạng”, ông N. nói. Theo lời ông, với đối tượng buôn lậu tập kết ghe cả chục chiếc, cách biên giới hơn trăm mét neo đậu chờ yên. Nếu không động tĩnh gì chúng nhận tín hiệu chạy về bên này. Chỉ trong vài phút là hàng hóa tức tốc được đưa lên xe gắn máy chuyển đi nơi khác. 

Ông T.V.Q. người dân sống ở cặp quốc lộ 91, thuộc xã Mỹ Phú (Châu Phú) cho biết, hơn chục năm nay hầu như ngày nào buôn lậu cũng chạy xe gắn máy trên đường, chủ yếu là vào buổi trưa và nửa đêm về sáng. “Tôi ở đây thấy riết quen rồi, bọn chúng chạy ghê lắm, bất chấp tính mạng”, ông Q. nói.

Thượng tá Hoàng Văn Nam cho biết thêm, hôm nào ra quân mà có cái đem về là may mắn chứ nhiều hôm vừa ra khỏi đồn là bọn buôn lậu biết, thông báo cho dừng mọi hoạt động ngay. “Không phải đêm nào đi cũng bắt được, nhiều hôm thức trắng đêm mai phục nhưng vẫn về tay không, 10 trận bắt được 1 - 2 vụ là mừng vì vừa ra khỏi thì bọn chúng phát hiện”, thượng tá Nam nói. Ông Nam cho biết, bọn canh đường luôn có 2 - 3 người ngày đêm quan sát các hoạt động của đồn, kể cả trên bờ và dưới sông.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 của tỉnh này nói rằng, lực lượng chức năng kiên quyết, thường xuyên duy trì phòng chống buôn lậu. Tuy nhiên, mùa lũ khó khăn hơn, vì nơi nào đi qua cũng được. “Các cơ quan chức năng có phương án, anh em tập trung đấu tranh, tình hình buôn lậu có lúc giảm nhưng chưa bền vững”, ông Nưng nói. Theo ông Nưng, vấn đề gốc là làm thế nào hạ giá hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa. “Nếu hàng lậu qua được mà không có lời thì buôn lậu sẽ không còn”, ông Nưng nhấn mạnh. 

Dịch chuyển “căn cứ”

Trước đây, “căn cứ” tập kết đường cát lậu thuộc địa bàn các xã ven sông như Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình của huyện An Phú và khu vực giáp ranh Gò Tà Mâu thuộc xã Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nhưng hiện nay một số đã chuyển hướng sang địa bàn thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).

Dọc theo QL80 đến khu vực cửa khẩu Hà Tiên, thuộc địa phận xã Mỹ Đức không khó để bắt gặp hàng loạt xe ba gác, xe thồ đi “ăn hàng” nườm nượp. Xe gắn máy ở đây có thể “cõng” hơn 10 bao đường cát (50kg/bao). Cùng với đường, thuốc lá lậu cũng được chất đầy các xe máy chạy với tốc độ cao đi giao hàng...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng  tỉnh Kiên Giang cho biết, đã cùng Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường và Cục Hải quan Kiên Giang thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp sử dụng lực lượng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới, bao gồm đường bộ, đường sông và đường biển. 

Biên phòng tỉnh còn chỉ đạo đội đặc nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới. Trọng điểm là các đường mòn, lối mở, làm sao kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép. Các lực lượng phối hợp đã bắt được nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn, có tổ chức với các mặt hàng như gỗ, ngà voi, thuốc lá, đường cát...

Buôn lậu mùa nước nổi: Lực bất tòng tâm ảnh 1 Buôn lậu gỗ theo mùa nước nổi thâm nhập nội địa     Ảnh:P.V

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đã kiểm tra, phát hiện 2.697 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử phạt hơn 1.300 vụ, với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG