Buôn nhà nát lãi bạc tỷ

Nhiều người Việt vẫn xem nhà phố là kênh trú ẩn an toàn thời khủng hoảng. Ảnh: Vũ Lê
Nhiều người Việt vẫn xem nhà phố là kênh trú ẩn an toàn thời khủng hoảng. Ảnh: Vũ Lê
Săn lùng bất động sản xập xệ, cũ nát ở Sài Gòn rồi nâng cấp hoặc xây mới để bán hoặc cho thuê, nhiều người lãi hàng trăm triệu đồng thậm chí bạc tỷ trong một vài năm đầu tư.

Ông Phan Hải Liêm có gần thập niên buôn địa ốc tại Sài Gòn tiết lộ, trong năm 2013 ông đã săn được 4 căn nhà phố cũ nát với giá khá mềm rồi nâng cấp, cải tạo để kinh doanh. Nhà đầu tư này nhẩm tính, tổng lợi nhuận bán, cho thuê lại các tài sản này trong vòng 12-24 tháng tới có thể giúp ông lãi bạc tỷ. "Lãi suất hạ xuống thấp là nguyên nhân khiến tôi mạnh tay đầu tư nhà đất thay vì gửi tiền ở nhà băng để tránh kịch bản trượt giá", ông Liêm chia sẻ.

Thương vụ gần nhất mà ông vừa chốt xong là một căn nhà nát trong hẻm Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh hồi cuối năm ngoái với giá 1,5 tỷ đồng. Ông Liêm hoàn tất việc mua bán chỉ trong chưa đầy 2 ngày sau khi bắt được tin gia chủ cần thanh lý tài sản để xuất ngoại.

Với diện tích đất gần 50m2, một trệt một lầu, vị chi 100 m2 sàn xây dựng, bỏ thêm hơn 200 triệu đồng nâng cấp, cải tạo lại khang trang, ông Liêm cho thuê được giá 12 triệu đồng một tháng. Nhà đầu tư này cho hay, ông bắt đầu rao bán căn nhà  giá 2,5 tỷ đồng từ tháng 4/2014 và chờ phản ứng của thị trường. "Các thương vụ còn lại cũng được thực hiện cùng nguyên tắc: mua nhà cũ giá rẻ, cải tạo lại và cho thuê hoặc bán với tỷ lệ lãi tối thiểu 15% một năm", ông Liêm nói.

Cũng săn lùng và buôn nhà nát được gần 5 năm, bà Thúy Hằng, nhân viên kiểm toán của công ty có vốn FDI tại TP HCM lại xem việc tậu nhà cũ là kênh trú ẩn an toàn thời khủng hoảng. Bà Hằng kể, trung bình mỗi năm bà chỉ buôn một căn nhà nát và không vội bán ngay mà giữ lại lâu hơn để cho thuê. Căn đầu tiên bà săn được vào năm 2011 trên đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận rộng gần 60 m2 với giá 1,3 tỷ đồng, rẻ hơn 35% so với giá trị thật và chỉ mất 100 triệu đồng tân trang lại để cho thuê.

"Lúc đó tôi mua rẻ vì chủ nhà cần tiền gấp để xử lý nợ. Sau 3 năm đầu tư, tôi đang thỏa thuận bán với giá 2,4 tỷ đồng theo bài toán cộng dồn tỷ suất sinh lời từ 15% mỗi năm trở lên, xấp xỉ một tỷ đồng", bà Hằng nhẩm tính.

Nhà đầu tư này giải thích, bà không mặn mà tậu căn hộ mà lại chuộng buôn nhà nát vì tại Sài Gòn dòng sản phẩm này ít hơn chung cư. Việc nguồn cung nhà phố không đổi trong tương lai cộng thêm phần đất gắn liền với nhà có thể kỳ vọng tăng giá theo thời gian là ưu điểm của dòng sản phẩm này. "Tôi tin rằng giữ tiền mặt chỉ là giải pháp cuối cùng. Chuyển hóa dòng tiền sang nhà đất có thể là kênh trú ẩn an toàn hơn", bà Hằng bộc bạch.

Làm môi giới nhà phố được 12 năm, ông Nguyễn Phúc Mạnh cho biết, tại các quận  vùng ven Sài Gòn như: Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh hay quận 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12 nhà nát vẫn tồn tại trong các khu dân cư hiện hữu. Đô thị hóa quá nhanh đã để lại dấu tích là những căn nhà cấp 4 xây tạm hoặc bán kiên cố. Không ít nhà đầu tư đi săn lùng sản phẩm này rồi tân trang, nâng cấp thành nhà mới để khai thác kinh doanh nhiều hình thức.

Ông Mạnh nhận định, nếu so với nhà chung cư 2 phòng ngủ trở lên, nhà phố cũ, xuống cấp vẫn có giá rẻ hơn rất nhiều vì không phải trả thêm bất cứ chi phí dịch vụ nào. Thậm chí ngoài xác nhà, gia chủ còn có quyền sử dụng đất lâu dài. "Khi bất động sản nóng sốt, buôn nhà nát là "nghề hot", lãi ít khoảng 30-50%, nhiều thì một lời một. Hiện nay thị trường qua thời hoàng kim nhưng nếu có nghề thì vẫn dễ dàng có lãi 15-20% một năm", ông Mạnh đánh giá.

Thống kê tại hệ thống sàn giao dịch bất động sản Khải Hoàn Land, tỷ lệ nhà nát được mua bán thuộc khu Nam TP HCM chiếm 50% lượng giao dịch nhà phố tại sàn này. Trong đó, khá nhiều trường hợp nhà nát có mặt tiền 8m, sâu 20m được mua để đầu tư xây mới hoàn toàn làm văn phòng, nhà xưởng hoặc cho thuê.

Giám đốc Công ty dịch vụ địa ốc Á Châu (ACBRS), Ngô Đình Hãn cho biết, buôn nhà nát từng là một nghề thịnh hành trong giai đoạn địa ốc nóng sốt. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây thị trường này sàng lọc khá mạnh. Tỷ suất sinh lời của các nhà đầu tư vào dòng sản phẩm này hiện ở mức trung bình 10% mỗi năm. Vẫn có trường hợp nhà đầu tư đạt tỷ suất sinh lời cao hơn nhưng đòi hỏi độ khó cũng nhiều hơn.

Theo chuyên gia này, điều tạo nên sức hấp dẫn cho giới buôn nhà nát là tỷ lệ rủi ro thấp và hiếm khi bị lỗ. Hầu như dòng sản phẩm này bảo toàn vốn tốt, khả năng sinh lời ổn định, tuy nhiên thời gian đầu tư phải từ trung hạn đến dài hạn nên đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Vũ Lê

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.