“Buôn tiền” qua mạng

“Buôn tiền” qua mạng
Tại TP.HCM đang xuất hiện một số công ty chào mời người dân bỏ tiền để kinh doanh trên các thị trường tài chính nước ngoài. Mức lãi suất cam kết cao ngất ngưởng đã làm xiêu lòng nhiều người.

Phương Thảo, sinh viên đại học kinh tế mới ra trường, kể sau khi cô đưa lên mạng Internet thông tin tìm việc của mình thì nhận được một cuộc gọi mời đến Công ty Golden Rock International Limited (Q.1) để phỏng vấn.

Thảo nói: “Họ hứa sẽ tuyển tôi vào làm nhân viên tư vấn tài chính với điều kiện phải tìm được một khách hàng bỏ vào công ty ít nhất 5.000 USD để kinh doanh ngoại tệ. Ngoài số tiền lương cố định, nếu tôi tìm được càng nhiều khách hàng góp vốn vào công ty thì nhận được hoa hồng càng cao. Tôi đã từ chối”.

Sở Thương mại TP.HCM cũng đã nhận được nhiều thư hỏi về tư cách pháp nhân của Công ty Golden Rock tại VN. Theo sở, đây chỉ là một văn phòng đại diện công ty Hong Kong do một người quốc tịch Canada điều hành, được cấp phép vào tháng 8-2005 để tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, thúc đẩy việc thực hiện các hợp đồng đã ký giữa Golden Rock và các đối tác VN... Thế nhưng trong thư mời chào khách hàng, Golden Rock tự giới thiệu là một công ty trực thuộc Tập đoàn tài chính Golden Portfolio Management Corporation của Thụy Sĩ với hoạt động chính là kinh doanh các đồng tiền mạnh trên thế giới như bảng Anh, euro, USD... và vàng.

Trao đổi với chúng tôi, một nhà môi giới của Golden Rock cho biết số tiền tối thiểu mỗi khách hàng muốn góp vào công ty để tự chơi tiền tệ trên sàn giao dịch New York theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” là 5.000 USD. Còn nếu muốn ủy thác cho công ty đầu tư thì khách phải có ít nhất 10.000 USD, trong đó công ty cam kết sẽ trả lợi nhuận tối thiểu 5%/tháng. Khách sẽ ký hợp đồng đầu tư với công ty mẹ bên Thụy Sĩ, được trao một giấy chứng nhận là đã bỏ tiền vào công ty nhưng khi đóng tiền phải trả thêm phí chuyển tiền là 0,8% trên tổng số tiền.

“Lúc đầu do mô hình kinh doanh này chưa phổ biến tại VN nên chúng tôi cam kết trả lãi suất lên đến 14-15%/tháng. Sau này lượng khách đã nhiều nên chúng tôi siết lại còn 5%. Hiện nay chúng tôi có gần 1.000 khách hàng, trong đó có 90% ủy thác vốn cho công ty chơi” - nhà môi giới này nói.

Đầy rủi ro

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra

Theo một quan chức của Sở Thương mại TP.HCM, một văn phòng đại diện như Golden Rock sẽ không được phép huy động vốn hoặc môi giới huy động vốn như công ty này đang làm. “Chúng tôi sẽ xem xét lại hoạt động của văn phòng này” - ông nói.

Ông Trương Văn Phước, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, cho biết đã nắm được tình hình và đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiến hành rà soát và thanh tra hoạt động của những công ty môi giới kinh doanh tiền tệ kiểu này.

“Về mặt nguyên tắc quản lý ngoại hối của Nhà nước thì xem như họ đã sai. Chúng tôi sẽ làm rõ các chức năng được cấp phép của họ để có thể đưa ra phương hướng xử lý” - ông Phước nói.

Một công ty khác cũng hoạt động khá đình đám là Công ty liên doanh VietSec (Q.3). Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, đây là liên doanh giữa Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nam Long với Tập đoàn Somerset & Morgan được thành lập năm 1998 tại Úc, trong đó phía nước ngoài nắm 80% vốn. VietSec được cấp phép thành lập vào tháng 1-2005 nhằm cung cấp dịch vụ quản lý dự án phát triển nhà và du lịch, tư vấn phân tích tài chính doanh nghiệp...

Thế nhưng, trong brochure quảng cáo dịch vụ của mình, VietSec lại cam kết: “Nắm bắt được dao động của thị trường, những chuyên viên tư vấn của chúng tôi sẽ đưa ra quyết định khả thi nhất cho khách hàng... Chúng tôi sẽ là cầu nối giữa VN với các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới”.

Giám đốc tài chính một công ty của Anh cho biết cũng đã thử hỏi thông tin. Anh nhân viên của VietSec giới thiệu tập đoàn có những chuyên gia hằng ngày chỉ lo nhập những chỉ số giá cả như giá dầu, giá vàng... nhằm dự đoán giá đồng tiền mạnh trong một vài ngày tới sẽ lên xuống như thế nào để ra quyết định đầu tư.

“Họ bảo dự tính tỉ lệ lợi nhuận năm nay là 30%. Nếu muốn đầu tư, tôi phải ký hợp đồng với Tập đoàn Somerset và một hợp đồng ủy quyền cho VietSec cùng với việc mở một tài khoản. Sau bảy ngày làm việc, tôi sẽ nhận được bản hợp đồng từ bên Úc gửi về” - ông này cho biết.

Theo giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp, mức lợi nhuận 5%/tháng do các công ty kinh doanh ngoại tệ này cam kết với nhà đầu tư là khá mạo hiểm.

Trên một diễn đàn chứng khoán, khi một nhân viên môi giới của Golden Rock đưa ra lời mời chào, nhiều nhà đầu tư đã lao vào tranh luận. Một người thẳng thừng: “Tôi chưa thấy ai lấy được tiền từ sàn giao dịch tiền tệ cả, trong khi không ít người bị cháy túi”. Một thành viên khác tỏ ra bực bội với người mời chào: “Này, ông có biết lãi suất Libor, Sibor, trái phiếu kho bạc Mỹ... hiện nay là bao nhiêu không? Các ngân hàng hàng đầu thế giới trả mức lãi suất USD cao nhất là bao nhiêu không? Họ cũng không dám nói như các ông đấy!”.

Theo một chuyên viên phòng kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng, việc mua bán tiền tệ để hưởng chênh lệch giá trên các sàn giao dịch thế giới mang tính rủi ro rất lớn. Người dân không nên ký hợp đồng với các công ty nước ngoài thông qua trung gian của họ tại VN vì nếu xảy ra tranh chấp, các đơn vị đại diện này sẽ không có nghĩa vụ giải quyết quyền lợi cho khách hàng vì họ không phải là người ký hợp đồng trực tiếp.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG