Cá da trơn sụt giá: Ngư dân điêu đứng

Cá da trơn sụt giá: Ngư dân điêu đứng
Cá tra, ba sa vùng ĐBSCL đang đứng trước cơn lốc sụt giá. Cá đến kỳ thu hoạch, nhưng doanh nghiệp lại kèn cựa không mua theo giá hợp đồng khiến hàng ngàn hộ ngư dân đối mặt với điệp khúc phá sản.

Trước cơn khủng hoảng này, có người đã ví von người nuôi cá da trơn ở ĐBSCL đang trở thành "cá trên thớt" của DN. Tại TP.Cần Thơ, hàng trăm ngư dân ở huyện Thốt Nốt, quận Ô Môn... đang kêu trời không thấu khi đứng trước bờ vực phá sản.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An, chuyên nuôi cá da trơn - bức xúc: " Họ tự tiện cắt hợp đồng làm cho ngư dân tụi tui đứt cả sản nghiệp".

Theo lời ông Hải, tháng 5.2006, HTX Thới An ký hợp đồng, bán cho một Cty chuyên chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu ở Mỹ Tho (Tiền Giang) với giá 14.000đ/kg, cá giao tại hầm. Hai bên giao hẹn, khi cá đạt trọng lượng 1,05kg/con sẽ thực hiện hợp đồng (khi đó cá đạt 0,9kg/con).

Đến giữa tháng 6, khi cá đạt trọng lượng theo hợp đồng, nhiều DN ở An Giang, Cần Thơ đến hỏi mua với giá 14.800đ/kg, thậm chí là 15.000đ/kg, thì xã viên rục rịch..., nhưng Ban chủ nhiệm cương quyết ngăn cản để đảm bảo chữ tín với doanh nghiệp, bởi còn phải làm ăn lâu dài.

Thế nhưng, DN lại hứa lần hứa lữa mãi, đến cuối tháng 6.2006 mới đồng ý mua với giá 13.500đ/kg với lý do cá trên thị trường đang tuột giá. "Mấy cũng bán, cá nằm trên thớt rồi" - ông Hải cay đắng tâm sự. Thế nhưng bước qua đầu tháng 7.2006, khi giá cá trên thị trường rớt xuống còn 12.700đ/kg, thì DN bỏ mặc ngư dân chèo chống trong vòng xoáy của cơn đại hạ giá.

Trong khi đó, ở An Giang - nơi có hơn chục DN chuyên chế biến cá da trơn xuất khẩu - ngư dân cũng đứng trước bờ vực phá sản, do chính các DN gây ra. Anh Phạm Thanh Điền - thư ký Chi hội Nghề cá An Châu, huyện An Phú - cho biết: "Mặc dù chúng tôi nhiều lần chủ động, nhưng DN vẫn chưa chịu ký hợp đồng".

Chính sự liên kết đơn phương này đã dẫn ngư dân lâm vào ngõ cụt: Hàng ngày vẫn phải chi tiền thức ăn, còn bài toán lợi nhuận vẫn là con số âm đầy ngán ngẩm. Hiện giá cá tra nuôi bè ở khu vực Châu Đốc chỉ còn 10.000đ/kg, theo ông Điền là dưới giá thành, nhưng vẫn khó tìm được người mua.

Hám lợi, gây sự cố?

Ngư dân đã lùi mình đến tận chân tường, bởi họ chỉ còn con đường duy nhất là phải bán cho bằng được, nếu không cá sẽ tăng trọng, rớt xuống loại 2-3 thì giá sẽ thấp hơn và khả năng phá sản cũng cao hơn. Trong khi đó, các DN lại cho rằng, do thị trường quốc tế đang có nhiều biến động nên án binh bất động.

Lãnh đạo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thuỷ sản tỉnh An Giang thì cho rằng, biến động thị trường do chính các DN xuất khẩu trong nước gây ra. Bởi trên thực tế xuất khẩu thuỷ sản, mà chủ yếu là cá da trơn đang tăng cả về thị trường, sản lượng và giá trị.

Chỉ tính riêng tại An Giang, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 37.300 tấn cá tra, ba sa, tăng 77% về lượng và 84% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do hám lợi bất chính, một số DN đã pha trộn cá thịt vàng và thịt trắng, vì vậy khi bị các nhà nhập khẩu nước ngoài phát hiện, họ phải hạ giá bán. Tuy nhiên, sau khi gây hậu quả, các doanh nghiệp lại hạ giá thu mua cá nguyên liệu để thu lại những gì đã mất.

Đây không phải là lần đầu tiên giữa người nuôi và DN nảy sinh bất trắc. Một hàng rào pháp lý để lập lại trật tự và hỗ trợ phát triển ở lĩnh vực kinh tế mũi nhọn sao lại không cần thiết (?!).

Theo Lao động

MỚI - NÓNG