Cá da trơn xuất khẩu: Quá thừa thành… thiếu

Cá da trơn xuất khẩu: Quá thừa thành… thiếu
TP- Vừa thoát khỏi khủng hoảng thừa, hoạt động sản xuất xuất khẩu cá da trơn (cá tra, ba sa) tại Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.
Cá da trơn xuất khẩu: Quá thừa thành… thiếu ảnh 1

Xốc lại việc chăn nuôi, chế biến cá da trơn xuất khẩu là yêu cầu cấp bách

Chấn chỉnh, xốc lại toàn bộ các khâu từ nuôi trồng đến chế biến mặt hàng này là vấn đề cấp thiết, được đặt ra tại một hội nghị chuyên đề diễn ra hôm qua (17/9), tại TPHCM.

“Chúng ta sẽ phải trải qua thời kỳ khó khăn trong thời gian tới vì khủng hoảng thiếu nguyên liệu”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương xác định như vậy.

Ông cho biết, dự báo thời gian tới sẽ rơi vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu cá da trơn trầm trọng, nhất là vào các tháng 11, 12 tới, khi các doanh nghiệp cùng đồng loạt chuẩn bị hàng cho mùa du lịch, tiêu thụ cuối năm ở thị trường các nước.

Không chỉ từ nay đến cuối năm, ông Dương Ngọc Minh- Chủ tịch Tập đoàn Hùng Vương dự báo nguy cơ thiếu nguyên liệu trong năm 2009 là rất lớn, và sẽ kéo theo tình trạng thừa công suất nhà máy, tức là sẽ có nhiều nhà máy phải tạm ngưng sản xuất.

Sở dĩ thiếu nguyên liệu, theo ông Phương, sau vụ “bùng nổ” cá vừa rồi nhiều người không dám tiếp tục nuôi vì tâm lý lo sợ dư thừa; mặt khác, vì khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên nông dân và các cơ sở chăn nuôi không thể tái đầu tư với quy mô như trước.

Nguyên nhân sâu xa của việc khủng hoảng nguyên liệu lại do thiếu thông tin. “Khâu dự báo về nhu cầu thị trường của chúng ta quá kém nên dẫn đến tình trạng này”- ông Phương thừa nhận. Doanh nghiệp thiếu thông tin, nông dân lại càng mù tịt. Trong khi đó lại thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân nên… mạnh ai nấy biết và làm theo cách nghĩ của mình.

Ngoài ra, theo ông Ngô Phước Hậu - Chủ tịch Ủy ban Cá Việt Nam, khả năng thống kê của các cơ quan liên quan cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các hiệp hội và cả doanh nghiệp đều không biết được nông dân thả, nuôi bao nhiêu cá, chỉ đến khi thừa mứa mới… tá hỏa.    

Siết chặt chất lượng

Chất lượng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản, vẫn còn nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… bị cảnh báo dư lượng kháng sinh cấm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam. “Đây là vấn đề nghiêm trọng” -Thứ trưởng Lương Lê Phương nói.

Theo ông Phương, nhiều lô hàng nhiễm dư lượng kháng sinh cấm từ khâu sản xuất, vì vậy Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tất cả các nhà sản xuất cá. Ông Phương cũng cho biết sẽ kiểm tra thật chặt các lô hàng trước khi xuất và kiểm tra trước khi cấp giấy phép (chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) chứ không có chuyện xuất trước rồi cấp sau như trước đây.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát con giống, nguồn thức ăn cho cá. Cụ thể, sắp tới sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp thức ăn trên thị trường và trước mắt là kiểm tra 3 nhà sản xuất, cung cấp lớn.  

MỚI - NÓNG