Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khát

Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khát
TP - Thị trường tiền tệ những ngày cuối năm Kỷ Sửu căng thẳng. Đã có sóng ngầm cạnh tranh khi các ngân hàng ngầm chạy đua săn đón thượng đế gửi tiền. Còn doanh nghiệp, người vò đầu bứt tai lo đáo hạn, kẻ méo mặt vì lãi suất cho vay tăng vọt.

Nhân viên một phòng công chứng tư kể: Ngay khi phòng này làm thủ tục công chứng giấy tờ mua bán nhà đất xong cho một khách hàng, và hai bên bán -  mua làm thủ tục trao tiền, lập tức mấy nhân viên ngân hàng đã đứng sẵn đó hộ tống vị khách đem tiền đi gửi.

Không những thế, họ còn làm thủ tục trao quà luôn. “Hình ảnh này không có gì lạ vì tại thời điểm này, khách hàng có tiền được chăm sóc kỹ hơn thượng đế” - Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng quốc doanh bình luận.

Căng thẳng về nguồn vốn, trong khi bị bó chân tay bởi trần lãi suất khiến tại thời điểm này, các ngân hàng ra sức chăm sóc các khách hàng, tổ chức có giá trị tiền gửi lớn, nhất là những sổ sắp đến thời gian đáo hạn.

Minh, nhân viên ngân hàng cổ phần có trụ sở chính tại phía Nam bật mí : “Ngày nào em cũng phải lo cập nhật, dò tìm các sổ sắp đến thời hạn đáo hạn và liên lạc. Thường thì bọn em sẽ tìm hiểu, nghe ngóng thái độ của từng khách. Với người quan tâm lãi suất, bọn em có thể thỏa thuận vênh chút ít so với bảng lãi suất hiện tại. Với người thích dịch vụ, bọn em sẽ tặng quà”.

Bị khống chế bởi trần huy động 10,49%/năm, các ngân hàng chỉ còn cách đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mại. Ngày 4-1, ABBank đưa ra chương trình “Gửi tiền thông minh” với giải đặc biệt lên tới 1 kg vàng và nhiều giải là sổ tiết kiệm trị giá từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng.

Ngày 5-1, Techcombank triển khai “Triệu phú đầu Xuân - Canh Dần may mắn” tiền mặt trị giá từ 50.000 đồng đến 100 triệu đồng. Seabank tung ra chương trình hỗ trợ tới 75% giá trị xe mua, thời hạn vay tối đa lên tới 60 tháng và có thể được ân hạn trả gốc trong 3 tháng đầu tiên.

Đi tìm lời giải

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cứ đến quý 4 hàng năm, nhu cầu nguồn tiền bao giờ cũng căng hơn, vì đó là thời điểm toàn bộ nền kinh tế đẩy mạnh hoạt động quyết toán công nợ, thực hiện cam kết giải ngân, DN giải quyết hàng tồn kho…

Hệ thống ngân hàng thương mại đứng trước nhu cầu vốn dồn dập: thanh toán khoản nợ đến hạn với nước ngoài, nhập khẩu  hàng hóa, vốn cho sản xuất kinh doanh phục vụ sắm Tết và tạo nên chu kỳ căng thẳng vốn hàng năm.

“Chúng tôi vẫn gọi đó là tính thời vụ trong hệ thống chứ hoàn toàn không phải do chính sách thắt chặt tiền tệ tạo nên yếu thanh khoản đối với một số ngân hàng”- bà Hương phân tích.

Về hiện tượng NHTM bị “rỗng ruột” xuất phát từ hỗ trợ lãi suất, bà Hương lưu ý đúng là có, ở chỗ: DN trong diện được hỗ trợ lãi suất nhờ có được nguồn vốn giá rẻ (6%/năm) nên không phải lấy tiền của mình để sản xuất kinh doanh mà để số tiền đó trên tài khoản tiền gửi.

Khi dừng hỗ trợ lãi suất, nhóm đối tượng này rút tiền ra khỏi tài khoản tiền gửi của ngân hàng để sản xuất kinh doanh, trong khi đó, nguồn tiền mà các NHTM đã giải ngân cho hỗ trợ lãi suất (ước hơn 415 nghìn tỷ đồng - PV) chưa kịp thu về. Thực tế này đã tạo ra thế kẹt cho các ngân hàng”.

Trao đổi với Tiền phong, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cũng cho rằng tình hình lúc này đang khá căng với doanh nghiệp, nhất là khối nhỏ và vừa.

Về phía cơ quan quản lý, áp lực lo chống lạm phát khiến cung tiền tạm thời bị hạn chế, trong khi thời điểm áp Tết, doanh nghiệp nào cũng lo vốn để gom hàng vào.

“Căng thẳng phải qua Tết, khi doanh nghiệp đều đồng loạt giải phóng một lượng hàng lớn ra thu tiền về” - Ông Kiêm dự báo.  

Doanh nghiệp lo vốn

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Cty CP tư vấn - đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Việt Nam cho hay: Cty đang có nhu cầu vay tiền để mua đất nền cho dự án xây dựng văn phòng cho thuê, nhưng nhiều ngân hàng đều từ chối với lý do chủ yếu là đã hết hạn mức tín dụng cho vay ra.

Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Cty Thương mại và chế biến thực phẩm Thông tấn cũng vừa kêu khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng loạt các khách hàng cá nhân đã trót vay tiêu dùng hoặc để mua bất động sản của các ngân hàng cổ phần kêu trời khi lãi suất cho vay thoả thuận vừa được thông báo tăng vọt từ 16,5 lên tới 18,5%/năm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.