Quản lý đất công, đất nông nghiệp tại Hà Nội:

Cả nghìn vụ việc tồn đọng, chậm xử lý

Đất bãi đỗ xe, cây xanh tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng biến thành nhà hàng bia. Ảnh: Hà Anh
Đất bãi đỗ xe, cây xanh tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng biến thành nhà hàng bia. Ảnh: Hà Anh
TP - Tại phiên họp chiều qua với lãnh đạo nhiều quận, huyện, sở ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nêu rõ những tồn tại hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ đất công, đất nông nghiệp đồng thời yêu cầu khẩn trương thanh tra, làm rõ vi phạm để xử lý…

Đất công là “bầu sữa ngọt”!

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội nêu ra con số giật mình: Chỉ riêng đoàn thanh tra của Sở TNMT đối với các quận, huyện gồm Thanh Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Đan Phượng, Chương Mỹ đã phát hiện diện tích đất nông nghiệp vi phạm lên tới 697,577 ha. 


Các vi phạm chủ yếu như UBND các phường, xã, thị trấn không thực hiện đấu giá để giao thầu sử dụng đất công ích; tự ý cho thuê đất công ích thời gian quá dài, có nơi lên tới 20 năm. Cá biệt tại một số xã đã giao cho HTX hoặc các thôn quản lý và giao thầu đất công ích, vi phạm về thẩm quyền. Nhiều nơi việc quản lý đất công ích, đất bãi bồi ven sông thiếu chặt chẽ xảy ra tình trạng sử dụng không đúng mục đích.

Mặc dù nhiều quận, huyện báo cáo với UBND thành phố tình hình đã được kiểm soát, vi phạm ít, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, những báo cáo này chưa thể hiện đúng bản chất và mức độ vi phạm. “Bức tranh thực tế về quản lý đất công không như ý kiến của một số quận huyện. Số vụ vi phạm nói lên rất rõ”, ông Nghĩa khẳng định.

Cũng theo Sở TNMT, hiện còn trên 1.000 trường hợp giao đất, cho thuê đất trái phép tồn tại nhiều năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc xử lý vi phạm, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay thành phố đã có nhiều chỉ đạo nhưng thực tế vi phạm mới vẫn xảy ra nhiều.

Ông Nguyễn Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tổng diện tích đất công ích của thành phố lên tới trên 24.000ha nhưng mới chỉ có 63,7% diện tích này tạo ra nguồn thu cho ngân sách, còn lại là chưa thu được.

Kinh phí phải thu mà chưa thu được từ việc cho thuê quỹ đất này theo ông Phong còn khá lớn. Một số quận huyện thất thu do giao đất cho các đoàn thể, HTX sử dụng, cho thuê có doanh thu nhưng lại không nộp vào ngân sách, thậm chí có nơi để ngoài sổ sách. 

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu thực trạng khác trong quản lý đất nông nghiệp đó là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa còn khoảng 5 vạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân chưa được cấp lại.

Tại nhiều quận, huyện do đô thị hóa, điều chỉnh mạng lưới thủy lợi nên hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bản chất đã không còn canh tác. Ông Tâm đề nghị cần xem xét chuyển đổi mực đích sử dụng, bán đấu giá quỹ đất này để tránh lãng phí.

Không xử lý được vi phạm thì phải thay cán bộ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho rằng, thời gian gần đây vi phạm đã giảm về số lượng, diện tích, không có những vụ việc trở thành điểm nóng. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc tồn đọng kéo dài qua nhiều năm lại tương đối lớn.

Hạn chế lớn nhất trong quản lý quỹ đất công và đất nông nghiệp là công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Nhiều vụ việc báo chí phát hiện, cử tri có ý kiến thì chính quyền mới vào cuộc.

Trong khi đó, ông Khanh cho rằng Hà Nội hiện có tới cả ngàn cán bộ thanh tra chuyên ngành về xây dựng. “Không ai có thể giấu đi một căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Rõ ràng có sự làm ngơ của cán bộ”, ông Khanh chỉ rõ.

Nguyên nhân để tồn đọng các vụ việc nhiều, theo ông Vũ Hồng Khanh còn do cán bộ xã, phường năng lực chuyên môn yếu, rất lúng túng trong xử lý. 

Ông Khanh yêu cầu các quận, huyện xã phường tập trung thực hiện 3 yêu cầu: Thứ nhất, tập trung rà soát, thống kê nắm lại toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, đất công ích, đất bãi ven sông. Khi phát hiện vi phạm phức tạp cần sớm thanh tra làm rõ. 

Thứ hai, khi xử lý các vi phạm phải đồng thời xử lý cán bộ có trách nhiệm do đã để xảy ra vi phạm. “Nếu xảy ra vi phạm thì chủ tịch UBND xã, phường đó phải dành thời gian giải quyết xong rồi mới làm việc khác. Nếu không làm được thì phải xem xét thay thế cán bộ”, ông Khanh yêu cầu. 

Thứ ba, các quận huyện phải kiên quyết với vi phạm, không có chuyện trước đây vi phạm rồi nay lại hợp thức hóa bằng cách cho thuê tiếp. Trong xử lý cụ thể, ông Khanh lưu ý địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để giải quyết linh hoạt, vừa đảm bảo tăng thu ngân sách, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

MỚI - NÓNG