Cá ngựa sẽ về đâu?

Cá ngựa sẽ về đâu?
Chưa đầy 1 km trên QL 1A đã có hàng trăm điểm buôn bán cá ngựa chào gọi khách thập phương...
Cá ngựa sẽ về đâu? ảnh 1
Anh Trai đang lặn bắt cá ngựa

Thời gian gần đây nhiều xã ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, mỗi ngày có hàng trăm người đua nhau đi lặn, bắt cá ngựa ven đầm Cù Mông, Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Mắm, Vũng Chúa, đảo Hòn Nần, Nhất Tự Sơn, Cù lao ông Xá. Cũng vì thế mà nguồn cá ngựa ở vùng biển này đang có nguy cơ cạn kiệt.

“Phố” cá ngựa

Trong vai một khách hàng lắm tiền, tôi đến xã Xuân Cảnh để tìm mua một kg cá ngựa. Dừng chân tại cầu Bình Phú, tôi lạc vào một “thế giới” cá ngựa lớn có, nhỏ có, bày bán công khai. Anh Năm xe ôm tốt bụng vui vẻ làm người dẫn đường. Anh đưa chúng tôi đến quán bà Tuyết. Theo lời anh thì đây là nơi có thể cung cấp đủ số lượng mà tôi yêu cầu.

Sau khi“thăm dò” sơ bộ, bà Tuyết đon đả mời ngồi và sai cô con gái bưng bê đủ các loại cá ngựa sống và cả cá ngựa chết ra giới thiệu. Lấy lý do bà không đủ hàng cung cấp, khi chúng tôi cần mua với số lượng nhiều, bà dẻo miệng hạ giá: 100.000 đồng/cá ngựa đại dương, 30.000-60.000 đồng/cá ngựa tiểu và khuyến mãi thêm bình chiết ôxy để vận chuyển đi xa.

Cá ngựa dùng để ngâm rượu, hoặc nuốt sống, là dược liệu quý, chữa được nhiều bệnh, nhất là bệnh liệt dương. Chính vì lời đồn đại này, cùng với việc bán cá ngựa sống, người dân nơi đây còn ngâm vô số chai rượu lớn, nhỏ với toàn cá ngựa,  dập dìu khách thập phương nam có, nữ có, đều đến quán bà Tuyết, hoặc túa sang các quán lân cận khác hỏi mua.

Bà Tuyết “khoe”: “Tui mua hàng này từ các ngư dân chuyên lặn, bắt tôm hùm giống, và cả một số người chuyên đi “săn” cá ngựa, nên trong quán lúc nào cũng sẵn cá ngựa sống”.

Ngư trường

Sau một thời gian dài sôi động, việc buôn bán cá ngựa ở huyện Sông Cầu có dấu hiệu tạm lắng khi ông Võ Văn Liêm, ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương đã ươm nuôi được cá ngựa (tháng 3/2004), loại thủy sản lâu nay người dân chỉ quen khai thác từ  sinh sản tự nhiên.

Tuy nhiên, nguồn cá ngựa do ông nuôi không đủ cung cấp cho thị trường đang hút hàng và tiêu thụ mạnh. Vì thế, giá cá ngựa lại tiếp tục nóng dần lên theo nhu cầu của khách hàng. 

Tại bến đò thuộc xã Xuân Phương, trong câu chuyện của những người chủ đầu nậu và lẫn những người đi lặn bắt cá ngựa,  tôi cảm nhận được nỗi vui mừng của những “thợ săn” cá ngựa  khi hôm nay họ trúng được vài con chỉ nhỏ bằng ngón tay út. Còn đầu nậu thì hí hửng, giành dật nhau từng con một để kịp tiêu thụ theo địa chỉ sẵn có. Cứ tầm 5-7 giờ sáng lại hình thành một cái chợ di động mà hàng hóa  mua bán chủ yếu là cá ngựa.

Ông Ba Trọng-một lão ngư ở thôn Hoà Hiệp, xã Xuân Phương, cho biết: Toàn thôn chúng tôi có khoảng hơn 50 người chuyên làm nghề này, hằng ngày chờ nước thuỷ triều rút, họ dùng kính lặn,  lặn vài hơi, hoặc dùng mành đánh bắt cá ngựa đang bám vào rong biển trong đầm Cù Mông. Một chuyến đi  như vậy, nếu “hên” thì  kiếm được vài con.

Tôi liền về xã Xuân Hoà. Từ đầu cầu Bình Phú men theo con đường đất dẫn về các thôn ven đầm Cù Mông như: Hoà Phú, Tuy Phong, ốc địa…, nơi được xem là khai sinh ra nghề lặn bắt tôm hùm giống, nay nguồn tôm hùm giống cạn kiệt họ lại chuyển sang lặn bắt cá ngựa. Như những làng biển khác, buổi trưa ở những thôn ven đầm vắng lặng. Trong thôn không thấy bóng thanh niên đâu cả?. Trong khi đó,  trên đầm Cù Mông dập dìu những chiếc xuồng bé nhỏ và những con người nhỏ bé lặn ngụp để mưu sinh. 

Anh Phan Ngọc Trai ở thôn Hoà Phú, xã Xuân Hoà bộc bạch: “Tôi làm nghề này, từ hồi 15 tuổi, và cũng là một tay “sát cá” đấy. Hằng ngày, từ khoảng 9 giờ sáng là tui lặn một hơi lên xóm Bột ở xã Xuân Hải, thế nào cũng kiếm được vài con. Thường thì mùa cá ngựa từ tháng chạp đến tháng ba âm lịch là kiếm được cá ngựa nhiều nhất. Cứ một năm tôi lặn được khoảng 100 con”. Mới 24 tuổi nhưng Trai đã có thâm niên 9 năm lặn bắt cá ngựa và tôm hùm giống.

Dẫn chúng tôi đi xem những tay “săn” cá ngựa ngoài đầm, anh Trai chỉ những chiếc thuyền đang neo đậu trên mặt đầm nói: Đấy là những xuồng nhỏ chuyên dùng đánh bắt cá ngựa để cung cấp cho “phố cá ngựa” trên Quốc lộ 1A.

Cá ngựa sẽ về đâu?

Tình hình buôn bán cá ngựa ở những xã phía bắc  huyện Sông Cầu đang diễn ra khá nhộn nhịp. Nhu cầu dùng cá ngựa tăng, nhưng chưa phải là tín hiệu vui cho chính quyền và người dân sở tại, mà nó đang kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nếu địa phương không giải quyết tình trạng khai thác bừa bãi và bày bán cá ngựa xô bồ như hiện nay sẽ làm mất đi nguồn động vật quí hiếm đang cần được bảo tồn. Một khi, trên các vũng, đầm ở đây cá ngựa biến mất thì hàng trăm con người đang “sống” bám vào cá ngựa sẽ ra sao?

Theo ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Sông Cầu, cá ngựa ở đây sinh sản theo tự nhiên và thực trạng người dân đang  khai thác rầm rộ là có thật. Nhưng biết làm sao được, vì nó sinh sản tự nhiên và người dân “vô tình” khai thác. Huyện thì chỉ làm công tác vận động tuyên truyền là chính!

Cũng theo ông Tuấn, huyện đang tiến hành điều tra và xử lý các phương tiện đánh bắt cá ngựa, song song với việc điều tra tổng thể về việc người dân đánh bắt và buôn bán cá ngựa. Hy vọng sau này sẽ có những qui định cụ thể về khu vực kinh doanh, khu vực đánh bắt cũng như tìm một phương án nuôi tạo mà ông Liêm là một điển hình tiêu biểu đáng được biểu dương,  tránh làm mất cân bằng nguồn thủy sản …

Ông Nguyễn Văn Do, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, thì khẳng định: Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào của Cục về việc qui định cấm đánh bắt cá ngựa cả nên rất khó trong việc bảo tồn và để có những chế tài đối với người đánh bắt, kinh doanh... Tuy nhiên, Luật Thủy sản có qui định cá ngựa là loại động vật cần được bảo vệ và cần phải có phương án khai thác hợp lý.

Cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus kuda. Tên tiếng Anh là Seahores, spotted seahorse, Yellow seahorse. Chúng phân bổ ở ấn Độ-Thái Bình Dương, Pakistan, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đến nam Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Ở Việt Nam, cá ngựa phân bố từ Bắc đến Nam, chủ yếu  ở vùng nước ven bờ, đặc biệt là ở Khánh Hòa và Bình Thuận.

Hiện nay cá ngựa đã nuôi được ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam được nuôi trong bể bê tông và các bể kính Aquarium. Là loài có giá trị cao trong dược liệu Đông Y. Giá thị trường nội địa khoảng từ 40.000-60.000 đồng/cặp. Cá lớn 25cm thì có giá từ 200.000–250.000 đồng/cặp 1 con đực và 1 con cái.

(Nguồn: Danh mục các loài nuôi ở biển và nước lợ ở VN)

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.