Cá tra chưa đem lại nhiều giá trị cho người nuôi

Xuất khẩu lớn nhưng người nuôi cá tra chưa được hưởng lợi nhiều Ảnh: Duy Khương
Xuất khẩu lớn nhưng người nuôi cá tra chưa được hưởng lợi nhiều Ảnh: Duy Khương
TP - Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cá tra xuất khẩu trong năm 2011 vẫn chủ yếu là cá phi-lê đông lạnh, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,8 tỷ USD, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước, các sản phẩm giá trị gia tăng, chỉ chiếm khoảng 1%”.

> Sản xuất, kinh doanh cá tra: Vẫn bấp bênh, chao đảo

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, cá tra chưa đem lại nhiều giá trị cho người nuôi cũng như cơ sở chế biến. ĐBSCL có khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra, tương đối hiện đại nhưng phần lớn vẫn làm ra sản phẩm thô, sơ chế.

Tổng công suất chế biến gần 1 triệu tấn sản phẩm, trong lúc năm 2011, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu chỉ xấp xỉ 1,2 triệu tấn nên tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, bình quân nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất.

Năm qua, xuất khẩu cá tra đạt trên 600.000 tấn, kim ngạch 1,8 tỷ USD. Trong 135 thị trường, EU và Mỹ chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu; so với năm 2010, thị trường Mỹ tăng 87,8%.

Sản xuất và tiêu thụ cá tra tăng trưởng trong điều kiện khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, do từ đầu năm, có chủ trương khống chế sản lượng, tập trung tăng chất lượng.

Năm 2011, hầu hết doanh nghiệp chế biến xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, tự chủ hoặc liên kết với người nuôi, nhiều doanh nghiệp đảm bảo đến 60-70 công suất.

Dự báo năm 2012, thị trường cá tra vẫn có khả năng mở rộng, vì giá phù hợp với người tiêu dùng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, năm 2012, vẫn chú trọng nâng cao chất lượng nhưng có mở rộng vùng nguyên liệu hợp lý để mở rộng thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG