Cá tra và tôm sú: Vẫn "đánh đu" với may rủi!

Cá tra và tôm sú: Vẫn "đánh đu" với may rủi!
Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng khan hiếm cá tra và tôm sú. "Số phận" - dù khác nhau - của  2 loại vật nuôi này vẫn... đánh đu với may rủi!

Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, nhu cầu sản phẩm thủy sản trên thị trường thế giới đang tăng dẫn tới thiếu nguyên liệu do các doanh nghiệp tăng sản lượng mua cho nhu cầu chế biến hàng xuất khẩu. Thế nhưng, nhìn xuyên suốt quá trình phát triển của nghề nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL thì nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chỗ chưa có sự gắn kết giữa vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp.

Từ chỗ "sống khoẻ", ào ạt nuôi, người nuôi cá lại rơi vào tình cảnh lao đao vào giữa năm 2005 do giá cá sụt chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/kg mà vẫn tồn đọng hàng chục ngàn tấn. Đổ xô nuôi cá tra - kể cả phá vườn nhãn đang cho trái - sau cú sốc này, nhiều hộ bỏ bè lên bờ!

Ví dụ như huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) theo quy hoạch phải tới năm 2010 mới đạt 300ha diện tích mặt nước nuôi cá tra, song đầu năm 2005 đã tăng vọt gần 390ha. Sau cú tuột giá giữa năm 2005,  hàng loạt hộ ở làng bè Thốt Nốt chia tay với con cá tra. Vĩnh Long vào thời điểm những tháng cuối năm 2005 cũng có đến xấp xỉ 250 bè ngừng nuôi; con số này ở An Giang còn lớn hơn... Vì vậy, sản lượng cá tra, ba sa đầu năm 2006 sụt giảm là điều có thể thấy trước.

Giá cá tra đang - và còn tiếp tục tăng - dẫn tới mối quan ngại: Người dân lại đổ xô nuôi để rồi dẫn tới hậu quả từ thiếu chuyển sang thừa. Mấy ngày gần đây, giá cá tra giống từ chỗ dưới 1.000 đồng/con đã rục rịch tăng lên 1.100 - 1.200 đồng/con.

Theo Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh Afiex An Giang Bửu Huy: Giá cá tra 12.000 - 13.000 đồng là thoả đáng cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Rõ ràng, giá cá nguyên liệu sụt mạnh hay tăng cao đều không phải là dự báo tốt lành của sự phát triển mang yếu tố bền vững...

Diện tích tăng nhanh, vẫn thiếu nguyên liệu!

Giá tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL hiện đã lên đến xấp xỉ 160.000 đồng/kg (loại 20 con/kg) và theo dự báo còn tiếp tục tăng. Giá tăng nhưng vẫn thiếu tôm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Hầu hết các nhà máy chế biến ở "vựa tôm" Cà Mau đang hoạt động chưa tới 50% công suất trong bối cảnh đã có "đơn đặt hàng" từ bạn hàng các nước.

Thật ra, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu ở ĐBSCL từng diễn ra nhiều năm nay với mức độ khác nhau. Câu hỏi cần được lý giải là: Vì sao diện tích nuôi tôm tăng nhanh, vẫn thiếu nguyên liệu? Cà Mau có đến 240.000ha nuôi tôm. Còn ở Bạc Liêu, diện tích nuôi trồng thủy sản sau 5 năm (từ 2000 đến 2005) tăng từ 45.000ha lên trên 118.000ha. Tốc độ tăng diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng, Kiên Giang cũng khá... chóng mặt.

Có thể thấy, diện tích tăng nhanh, song các yếu tố  đảm bảo để nuôi bền vững còn nhiều bất cập, đầu tư khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Cà Mau chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tuy vốn đầu tư nhẹ, song năng suất không cao. Ngoài vụ nuôi chính, nuôi tôm vụ 2 ở ĐBSCL luôn tiềm ẩn thất bát và thực tế đã gây ra nhiều thiệt hại đối với người nuôi.

Thực tế cho thấy, để chủ động con tôm nguyên liệu, không thể chỉ dựa vào vụ nuôi chính. Vấn đề là, nếu chưa giải được bài toán nuôi rải vụ, thì cần có các giải pháp khoa học để đảm bảo cho nuôi tôm vụ 2, nuôi tôm trái vụ không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro...

ĐBSCL hiện có xấp xỉ 120 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu (công suất khoảng 3.200 tấn/ngày); trong đó có 74 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất hàng sang thị trường EU.

Riêng Cà Mau hiện có 26 nhà máy (công suất 110.000 tấn thành phẩm/năm), dự kiến tới năm 2010 xây dựng thêm 8 nhà máy (công suất 60.000 tấn thành phẩm/năm).

Đồng Tháp hiện có 5 nhà máy chế biến cá tra, ba sa; dự kiến tới năm 2010 có thêm  5  nhà máy (một nhà máy vừa khởi công xây dựng). Hàng loạt địa phương (An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu...) đều có dự án xây mới hoặc nâng cấp nhà máy...

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.