Các công ty bảo hiểm “lõm” nặng vì lụt

Các công ty bảo hiểm “lõm” nặng vì lụt
TP- Trận đại hồng thuỷ tại Hà Nội làm hàng trăm xe ôtô bị lụt, chìm trong biển nước, khiến máy móc bị hỏng; nhiều kho hàng, máy móc, công trình bị hư hại nặng vì ngâm nước. Nay nước rút dần, các gia chủ bắt đầu đến các công ty bảo hiểm yêu cầu chi trả...

Theo ông Ngô Trung Dũng, Trưởng phòng tổng hợp Cty bảo hiểm  PJICO, đơn vị chiếm khoảng 40% thị phần bảo hiểm trong lĩnh vực xe cơ giới tại Hà Nội, tính đến thời điểm sáng ngày 4/11, đã có 143 chủ xe ô tô tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới của PJICO tại Hà Nội có khiếu nại tổn thất xe liên quan đến trận lụt vừa qua.

Đánh giá ban đầu, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 4 tỷ đồng. “Ngoài bộ phận trực giám định tai nạn 24/24h thông thường, tại địa bàn Hà Nội, PJICO đã tăng cường lực lượng cán bộ giám định, phối hợp xử lý cứu hộ lên trên 20 người.

Hiện các cán bộ giám định của PJICO đang trực cả ngày cùng khách hàng và các xưởng sửa chữa để thực hiện công tác giám định, đánh giá tổn thất và đưa ra các phương án giải quyết. PJICO cam đoan không từ chối trường hợp khiếu nại nào”- Ông Dũng khẳng định.

Ông Đinh Quang Tấn, trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới Bảo Việt Việt Nam, cho hay: “Hiện Bảo Việt cũng nhận được khiếu nại tổn thất từ khoảng 140 xe trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi chưa tính toán cụ thể mức độ thiệt hại, nhưng ước tính ban đầu, cũng phải lên đến vài tỷ”.

Các công ty bảo hiểm “lõm” nặng vì lụt ảnh 1
Cứu hộ ô tô chết máy vì ngập nước  Ảnh:  Nguyễn Hương

Ông Trịnh Minh Đức, trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới Tổng Cty cổ phần Bảo Minh, đơn vị có 25% thị phần bảo hiểm xe cơ giới ở Hà Nội cũng chia sẻ: Hiện tại, Bảo Minh đã nhận được con số báo cáo số ôtô bị hỏng do lụt lên đến khoảng 200 xe.

Về thiệt hại, Tổng Cty chưa thể ước tính hết vì còn phải đợi đưa hết xe vào gara và kiểm tra theo đúng quy trình. Hiện 40 giám định viên của Tổng Cty trên địa bàn Hà Nội (cả Hà Tây cũ) đang phải làm việc hết tốc lực để giám định cụ thể về thiệt hại xe càng nhanh càng tốt.

Không chỉ có ôtô, cho đến lúc này đại diện các Cty bảo hiểm đang nhận được khá nhiều yêu cầu giám định một loạt các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến máy móc, công trình, kho hàng...

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng giám định PJICO thống kê: Suốt sáng 4/11, phòng giám định của Cty đã phải đi xem một loạt các khiếu nại của các khách hàng như: Khách sạn Doewoo bị nước tràn vào tầng nhiên liệu làm bùn, nước ngập  hết máy móc, một số kho hàng của Tập đoàn Phú Thái, Cty hóa dầu bên kho xăng Đức Giang....

“Hiện tại, chúng tôi đang thuê công ty giám định độc lập xem xét. Phải chờ báo cáo ban đầu về tình hình tổn thất mới có thể tính được mức tổng thiệt hại”- Ông Thanh cho biết.

Cũng liên quan đến các kho hàng, công trình, ông Phạm Quế Phong, Trưởng phòng bảo hiểm tài sản và kỹ thuật Tổng Cty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh thông tin rằng doanh nghiệp này hiện đã nhận được hơn 10 khiếu nại phần lớn do các đơn vị kinh doanh để hàng hóa lưu kho nhưng hiện tại do nước chưa rút hết nên chưa thể tính toán, xem xét cụ thể thiệt hại được

Các công ty bảo hiểm “lõm” nặng vì lụt ảnh 2

Ô tô bị ngập sâu ở Cty Cơ khí trên đường Giải Phóng Ảnh: Hồng Vĩnh

Sẽ được bồi thường như thế nào?

Tổng chi phí bồi thường cho một ôtô bị ngập lụt khiến máy móc bị hỏng là bao nhiêu? Ông Ngô Trung Dũng phân tích: Đối với các khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất xe thông thường PJICO sẽ thanh toán chi phí cứu hộ xe về nơi sửa chữa (khoảng 1 triệu đồng/xe), chi phí vệ sinh, thay thế dầu máy, lọc gió (sau khi đã trừ khấu hao sử dụng), chi phí sửa chữa hệ thống điện, nội thất.

Đối với các khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô có mua thêm bảo hiểm thiệt hại động cơ do hiện tượng thuỷ kích và chủ xe đã đóng thêm phụ phí bảo hiểm, ngoài các chi phí trên, PJICO sẽ trả tiền bồi thường chi phí sửa chữa, khắc phục những thiệt hại của động cơ do nước lọt vào trong động cơ gây ra như:

Chi phí thay thế tay biên bị gãy, block bị vỡ và các bộ phận khác của động cơ bị hư hỏng (sau khi đã trừ khấu hao sử dụng)... Nếu chỉ tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, khách hàng sẽ được Cty cứu hộ miễn phí trong vòng bán kính Hà Nội 70km đối với xe dưới 24 chỗ và xe tải dưới 3 tấn.

Cụ thể hơn về mức bồi thường, một giám định viên bảo hiểm cho biết: Ngoài liên quan đến “gói” bảo hiểm chủ xe đã mua, số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chi  trả còn phụ thuộc vào nhãn hiệu các loại xe.

Những xe thông dụng như Matiz thì đồ rất rẻ nhưng những xe đắt tiền và mua thêm điều khoản bổ sung về thiệt hại động cơ do thuỷ kích thì mức chi trả sẽ rất lớn. “Giả dụ là một chiếc xe Mercedes mới đi nếu có ký điều khoản này, trường hợp phải thay lốc máy, thì số tiền Cty bảo hiểm phải chi trả khoảng 600 triệu đồng”- Ông Ngô Trung Dũng cho biết.

Đối với trường hợp 18 chiếc xe ngập nước (phần lớn là xe trị giá hàng tỷ đồng) tại tầng hầm ở một chung cư Mỹ Đình, có phần lỗi của chủ đầu tư thì chủ xe sẽ được nhận bồi thường thế nào? Theo đại diện các công ty bảo hiểm, sẽ không có chuyện chủ xe nhận được bồi thường từ cả hai phía lớn hơn mức độ thiệt hại.

Mà chắc chắn họ sẽ nhận được bồi thường từ phía Cty bảo hiểm như trong hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh, do việc xảy ra thiệt hại có phần lỗi từ bên thứ hai gây ra, về nguyên tắc các công ty bảo hiểm sẽ đàm phán với bên kia để chia sẻ mức độ bồi thường. 

Thiệt hại từ tài sản là hàng hóa, máy móc công trình, sẽ được giải quyết trên căn cứ nào? Ông Phạm Quế Phong cho rằng, đây sẽ là một vấn đề khá phức tạp. Điểm vướng lớn nhất theo ông Phong đó là hiện nay, tại Việt Nam khách hàng không tham gia bảo hiểm mọi rủi ro cho tài sản mà chủ yếu mới chỉ quan tâm mua bảo hiểm hỏa hoạn (cháy nổ) và mở rộng thêm những điều kiện phụ như giông bão, lũ lụt.

“Bảo hiểm về lũ lụt thì đã rất rõ ràng đó là khi nước dâng lên tự nhiên, gây vỡ đê, tràn qua hệ thống đê bao. Còn tại Hà Nội những ngày qua, đây có phải là lụt hay chỉ là do mưa ngập, chúng tôi rất cần cơ quan chức năng có ý kiến. Cùng đó phải chờ cơ quan giám định về tổn thất xác định mới có thể tính toán căn cứ bồi thường”- Ông Phong khẳng định.

MỚI - NÓNG