Các DN “chơi xổ số” với Bộ thương mại Mỹ

Các DN “chơi xổ số” với Bộ thương mại Mỹ
TP - Ngày 4/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức bắt đầu xem xét lại mức thuế xuất khẩu tôm đối với 861 doanh nghiệp của 6 nước (Trung Quốc, Brazin, Êcuađo, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam).

Điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là DOC thay đổi phương pháp lựa chọn bị đơn (bắt buộc) tiêu biểu. Thay vì chọn các DN bị đơn có khối lượng xuất khẩu lớn nhất và tiến hành xem xét hành chính đối với các DN này thì DOC lại chọn bị đơn tiêu biểu trên cơ sở giá trị qua thống kê.

Việc này ảnh hưởng như thế nào đối với các DN bị kiện chống bán phá giá các nước nói chung, Việt Nam nói riêng?

Trả lời PV Tiền Phong, chiều 6/4, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu tôm Việt Nam (VASEP) cho biết:

Hiện, DOC chưa công bố chính thức các tiêu chí, quy định cụ thể về cách thức chọn mẫu trong các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt trong việc xem xét lại mức thuế xuất khẩu.

Trước đây, DOC thường dùng phương pháp lấy bị đơn tiêu biểu dựa trên khối lượng xuất khẩu lớn nhất. ở phương pháp này, gần như chúng ta biết chắc chắn DN nào bị chọn làm bị đơn tiêu biểu và do đó sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó.

Còn sử dụng phương pháp chọn mẫu theo giá trị thống kê thì các DN sẽ trông chờ sự may rủi, theo đó bất cứ DN nào cũng có thể bị chọn. Áp dụng phương pháp này sẽ có hai khó khăn lớn đối với các DN VN:

Thứ nhất, tất cả 54 DN VN (dù lớn hay nhỏ) đều phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu để đối phó (như thế sẽ tốn kém nhiều trong việc thuê luật sư, chuẩn bị hồ sơ…)

Thứ hai, nếu DN được chọn mà có nhiều điểm yếu thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tất cả các DN khác trong cùng quốc gia có xuất tôm vào Mỹ. Như thế không khác gì chơi xổ số với họ.

Thời gian qua, việc chuẩn bị hồ sơ đã khiến các DN VN mệt mỏi. Nay, với phương pháp chọn bị đơn trên, DN lại hồi hộp chờ đợi, mệt mỏi càng tăng thêm.

Các DN VN đã chuẩn bị đối phó thế nào, thưa ông?

Do đã nhận được thông tin sớm nên từ đầu tháng 3/2006, VASEP đã mở nhiều cuộc họp với các DN liên quan vụ kiện để thảo luận chiến lược, giải pháp đối phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Các DN đã thống nhất sẽ cùng hợp tác và thuê luật sư tư vấn hỗ trợ về thủ tục, pháp lý. Qua các cuộc trao đổi, danh sách 84 DN của VN do DOC đề ra là không đúng (vì có nhiều DN trùng tên và không liên quan vụ kiện) mà thực chất chỉ có 54 DN VN. Các DN đã sẵn sàng…

Công việc tiếp theo của các DN VN trong vụ kiện này?

Từ nay đến hạn cuối cùng nộp hồ sơ theo yêu cầu của DOC (28/4/2006), các DN VN sẽ phải trả lời bảng câu hỏi về số lượng và giá trị tôm (bảng Q&V) xuất sang Mỹ trong thời gian từ 16/7/2004 đến 31/1/2006 (việc trả lời sẽ do các hãng luật đảm nhiệm).

Sau đó sẽ phải trả lời bảng câu hỏi section A (các thông tin pháp lý của DN), như: tên DN, số giấy phép, địa chỉ, loại hình DN…

Cần lưu ý, chỉ các DN được chọn làm bị đơn (bắt buộc) tiêu biểu thì mới phải trả lời bảng hỏi này. Ngày 11/4, VASEP sẽ tổ chức cuộc họp với các DN nhằm củng cố lại lần nữa hồ sơ và các biện pháp đối phó… 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.