Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị WannaCry tấn công nhiều nhất

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị WannaCry tấn công nhiều nhất
TPO - Theo ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc CMC InfoSec, ghi nhận những ngày qua cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam là đối tượng bị mã hóa dữ liệu bởi virus tống tiền WannaCry nhiều nhất.

Ông Đức cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương nhất trước các cuộc tấn công mã độc đòi tiền chuộc. Lý do, đây là những đơn vị có tương tác nhiều với trong nước, quốc tế song hệ thống an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Trong đợt tấn công vừa qua của WannaCry ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng bị tấn công, có doanh nghiệp bị mã hóa dữ liệu hàng chục máy tính.

Theo ông Đức, một khi đã bị mã hóa dữ liệu thì không có cách nào giải mã được. Người dùng muốn khôi phục dữ liệu chỉ còn cách bỏ tiền chuộc. Trong số các trường hợp bị tấn công ở Việt Nam, 3-4 doanh nghiệp đã phải bỏ tiền ra chuộc dữ liệu. “Chúng tôi đã phải giúp một số doanh nghiệp mua tiền Bitcoi để chuộc lại dữ liệu đã bị mã hóa”, ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cũng cho biết thêm, thời gian tới có thể xuất hiện những biến thể mới của WannaCry. Khi đó không chỉ máy tính dùng hệ điều hành Window thế hệ cũ mà ngay cả Windows 8, Windows 10 cũng có thể là đối tượng bị tấn công.

Trước nguy cơ bị mã hóa dữ liệu bởi các biến thể mới của WannaCry, Tập đoàn Công nghệ CMC vừa cung cấp phần mềm chống mã hóa dữ liệu mang tên CMC CryptoShield. Đây là sản phẩm có khả năng chống mọi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng (Ransomware) nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong CMC CryptoShield có thể nhận biết tất cả các vi mã hóa dữ liệu và tiến hành ngăn chặn mà không cần nhận dạng loại mã độc của Ransomware.

 “CMC CryptoShield đảm bảo rằng tất cả các dữ liệu của người dùng sẽ được đưa vào một vùng an toàn và bất khả xâm phạm vào thời điểm ngay trước khi bị mã hóa” - ông Vũ Lâm Bằng - Phụ trách Nghiên cứu Phát triển sản phẩm chia sẻ về phương thức bảo vệ người dùng hoàn toàn mới này. Phương pháp này đang được cân nhắc để cung cấp miễn phí cho người dùng cá nhân.

Theo báo cáo của FBI, doanh thu năm 2016 của tội phạm mạng thu được từ tiền chuộc mã hóa ước đạt hơn 1 tỷ đô la Mỹ, cao gấp 40 lần so với đầu năm 2015. Nạn nhân thông thường chỉ có 48 tiếng để trả tiền chuộc trước khi bị mất hoàn toàn dữ liệu. Mã độc WannaCry tấn công toàn cầu trong những ngày qua đã chứng minh bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị tống tiền.

MỚI - NÓNG