Các dự án tin học của Agribank:“Trả tiền mua dê, nhận thịt chó”

Các dự án tin học của Agribank:“Trả tiền mua dê, nhận thịt chó”
TP - Ngoài những sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án xây dựng tòa nhà H2-Láng Hạ, dự án mua 300 ô tô chuyên dùng chở tiền mà Tiền phong đã thông tin, lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) còn có những sai phạm nghiêm trọng tại các dự án tin học hóa hệ thống Agribank.

Ngày 10/12/2002, Tổng GĐ Agribank Lê Văn Sở có quyết định phê duyệt giá gói thầu thiết bị 50 máy ATM với giá trị hơn 1,8 triệu USD. Theo Agribank, gói thầu này có 4 nhà thầu tham gia đấu thầu.

Sau khi xem xét, nhà thầu là Cty FPT được chọn, với giá trúng thầu 26,743 tỷ đồng. Theo bản chào thầu,  biên bản xét thầu và hợp đồng, thì thiết bị được nhập nguyên chiếc từ Scotland hoặc Canada hoặc Anh.

Tuy nhiên, khi bàn giao và nghiệm thu máy thì Agribank lại không kiểm tra từng chi tiết các linh kiện. Hậu quả là, nhiều máy ATM đã bị đổi sang linh kiện có xuất xứ hàng hoá sản xuất tại Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc với giá thấp hơn.

Tháng 3/2004, Agribank đầu tư mua thêm 150 máy ATM. Tổng vốn đầu tư hơn 72 tỷ đồng. Dự án này được chia làm 2 gói thầu: Một gói lắp đặt tại miền Bắc, đơn vị trúng thầu vẫn là Cty FPT, với giá trúng thầu là 36 tỷ đồng;

Cũng tương tự như gói thầu cung cấp 50 máy ATM năm 2002 mà FPT cung cấp, trong gói thầu này, hợp đồng cung cấp máy phải có xuất xứ từ Scotland hoặc Canada hoặc Anh, nhưng thực tế máy do hãng LOGX TRADING của Hồng Công cung cấp.

Kiểm tra thực tế, nhiều linh kiện của các máy ATM này lại do Malaysia, Đài Loan và Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, những máy ATM trên vẫn được Agribank nghiệm thu và quyết toán.

Trong một hợp đồng (năm 2004) mua thiết bị công nghệ thông tin giữa Agribank với Cty Cổ phần công nghệ tin học EIS, có giá trị 1,853 tỷ đồng thì thiết bị phải xuất xứ từ Mehico, nhưng khi nghiệm thu thì những thiết bị này lại có xuất xứ từ Malaysia.

Đáng ra, Agribank phải từ chối nghiệm thu vì phía đối tác vi phạm hợp đồng, song Agribank lại ưu ái cho phía đối tác bằng cách hợp thức hóa hợp đồng thông qua việc tổ chức đấu thầu lại để thay đổi xuất xứ hàng hóa (thay từ Mexico bằng Malaysia), nhưng giá trị gói thầu thì vẫn giữ nguyên giá cũ là 1,853 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, khi thanh lý hợp đồng, Agribank lại trả giùm chi phí vận chuyển và lắp đặt cho phía EIS là 254,5 triệu đồng. Ngoài ra, trong hợp đồng này, phía Cty EIS vi phạm hợp đồng vì chậm tiến độ 63 ngày.

Đáng ra Cty này đương nhiên bị mất 333 triệu đồng tiền bảo lãnh, nhưng Agribank lại chỉ phạt EIS gần 182 triệu đồng.

Như vậy, chỉ với một hợp đồng mua thiết bị với Cty EIS có tổng giá trị 1,853 tỷ đồng, Agribank đã bị thua thiệt hơn 405 triệu đồng.

Hồ sơ không đạt, vẫn trúng thầu

Trong năm 2004, Agribank triển khai thực hiện 4 dự án tin học: Hệ thống giám sát mạng, dự án thiết bị mạng LAN, dự án mạng WAN 2003 và dự án mạng WAN, có tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng.

Cả 4 dự án này Cty FPT đều trúng thầu. Qua kiểm tra, các dự án này đều có những sai phạm lớn ngay từ giai đoạn xét thầu. Cụ thể: Hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chuẩn mặt bằng để xác định giá là nguồn gốc, xuất xứ thiết bị, được quy về 3 khu vực là các nước G7, Mexico, các nước khu vực châu Á và các nước khác.

Tuy nhiên, hồ sơ chào thầu của Cty FPT lại không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu này (không nêu nguồn gốc, xuất xứ thiết bị) nhưng vẫn trúng thầu.

Trong khi đó, Hội đồng xét thầu của Agribank cũng không đánh giá lại giá theo thang điểm đã được Tổng GĐ Agribank phê duyệt. Nên khi thực hiện, các thiết bị của Cty FPT cung cấp có nguồn gốc, xuất xứ từ nhiều nước khác nhau, song lại được đánh đồng cùng một giá.

Ngoài ra, qua kiểm tra hợp đồng mạng WAN số 01, ban đầu Tổng GĐ Agribank Lê Văn Sở phê duyệt kết quả đấu thầu (Cty FPT trúng thầu) giá 16,341 tỷ đồng.

Nhưng không hiểu sao, sau đó chính ông Sở lại ký hợp đồng với Cty FPT với giá 17,337 tỷ đồng (cao hơn kết quả đấu thầu 996 triệu đồng). Như vậy, chỉ với hợp đồng này, ông Sở đã “biếu” không cho đối tác 996 triệu đồng.

Ngoài ra, với các dự án đầu tư xây dựng tại Chi nhánh Agribank tại Thanh Hóa, Chi nhánh Agribank tại quận 9 (TP Hồ Chí Minh), Chi nhánh Agribank tại Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng có nhiều sai phạm. Đến nay, Thanh tra Chính phủ mới đề nghị thu hồi 25,4 tỷ đồng sai phạm tại một số dự án được thanh tra.

Với những sai phạm trên, ở đây một số lãnh đạo Agribank có dấu hiệu của việc cố ý làm trái, song điều lạ là không được Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý hình sự hay chuyển cơ quan điều tra.

Theo báo cáo của Agribank, Ngân hàng này có tổng quỹ đất đang sử dụng lên đến 2.288.402 m2 (gồm đất được giao, mua và thuê), trong đó có 2.082.817m2 (chiếm 91%) được dùng làm trụ sở phục vụ kinh doanh.

Số diện tích còn lại là 205.585m2 được dùng vào mục đích khác, đặc biệt trong đó có 38.173m2 được dùng để xây dựng các nhà khách nội bộ. Việc sử dụng quỹ đất như vậy là không hợp lý và lãng phí.

MỚI - NÓNG