Các khu kinh tế tăng tốc

Các khu kinh tế tăng tốc
Đến nay trong cả nước đã có 9 khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập. Dự kiến trong tương lai gần sẽ còn có thêm ít nhất 3 khu kinh tế nữa được ra đời.
Các khu kinh tế tăng tốc ảnh 1

Liệu các khu kinh tế này có thực sự trở nên thực thể kinh tế sống động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, và cả nước?

Thực tế, việc thành lập các khu kinh tế này mới chỉ được bắt đầu từ tháng 6/2003 (với việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai). Thời gian còn quá ngắn để có thể đánh giá hiệu qủa kinh tế-xã hội của mô hình này.

Tuy nhiên không thể không thừa nhận các khu kinh tế đang hoạt động như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây... đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ghi nhận, đến tháng 4/2006 tại các khu kinh tế này đã có 280 dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, trong đó đã đi vào hoạt động được 60 dự án có tổng vốn khoảng 400 triệu USD.

Riêng Khu kinh tế mở Chu Lai có 120 dự án với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD; Khu kinh tế Nhơn Hội có 40 dự án với  tổng vốn đăng ký 3,3 tỷ USD; Khu kinh tế Lăng Cô-Chân Mây 25 dự án với 280 triệu USD.

Các chuyên gia cho rằng: các khu kinh tế được thành lập đều đáp ứng yêu cầu địa lý thuận lợi (gần cảng biển, sân bay), nối kết dễ dàng với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế; có điều kiện để đảm bảo về kết cấu hạ tầng, nhất là cung cấp điện, nước, lao động...

Nhưng, lực hút thực sự đối với các nhà đầu tư là các chính sách, chế độ ưu đãi đang áp dụng cho các khu kinh tế.

Đây là những thể chế, chính sách mới nhằm khắc phục các vướng mắc trong chính sách và cơ chế quản lý kinh tế chung hiện hành.

Các khu kinh tế đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Thuế thu nhập doanh nghiệp 10% được áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh, và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; được giảm 50% thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại các khu kinh tế.

Ngoài ra, các dự án đầu tư vào khu kinh tế thuộc lãnh vực: công nghệ cao, có quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành, lĩnh vực hay phát triển kinh tế-xã hội của khu vực sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án.

Các nhà đầu tư kinh doanh tại các khu kinh tế (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài) và các thành viên gia đình được cấp thị thực xuất nhập cảnh có gía trị nhiều lần có thời hạn phù hợp với thời hạn làm việc, hoạt động đầu tư kinh doanh tại các khu kinh tế và được cư trú tại khu kinh tế...

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cũng được quan tâm. Chính phủ cho phép áp dụng nhiều phương thức huy động vốn đầu tư để phát triển khu kinh tế như:

Trong 15 năm đầu, kể từ khi Quyết định ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho các khu kinh tế có hiệu lực, ngân sách Nhà nước cân đối hàng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế cho yêu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật-xã hội và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng quan trọng...

Thực tế, trong năm 2004 nguồn vốn ngân sách đã hỗ trợ 242 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng ngoài các khu chức năng của các khu kinh tế (Dung Quất, Chu Lai); năm 2005 hỗ trợ 285 tỷ đồng (cho Dung Quất, Chu Lai); năm 2006 dự kiến chi cho Dung Quất 203 tỷ, Chu Lai 130 tỷ và Nhơn Hội 60 tỷ.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia ở các ngành hữu quan, giai đoạn 2006-2010  số vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở vào khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng cho mỗi khu kinh tế. Với khoảng 10-12 khu kinh tế được thành lập, tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần có từ 24.000-36.000 tỷ đồng. Thực khó để cân đối đủ.

Các khu kinh tế tăng tốc ảnh 2

Như thế, lại kéo dài lê thê quá trình xây dựng, mất 5-10 năm, liệu có còn kịp nắm bắt thời cơ cho các khu kinh tế?

Các chuyên gia thừa nhận rằng: Khu kinh tế là một mô hình mới. Việc xây dựng các khu kinh tế là một việc hoàn toàn chưa có kinh nghiệm nào ở Việt Nam, nhưng việc triển khai thực hiện lại được giao cho các bộ máy với đa số cán bộ, chuyên viên có năng lực hạn chế.

Thực tế là cho đến nay chưa có quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế trong cả nước; cũng chưa có một hệ thống tiêu chí chung nào để làm cơ sở cho việc hình thành khu kinh tế, một quan chức ở Bộ Kế họach và Đầu tư, xác nhận.

Nhiều chuyên gia khác thừa nhận: các khu kinh tế Việt Nam hiện đang trong giai đoạn hình thành, phải mất ít nhất là vài ba năm nữa mới nên hình, nên dạng và mang lại hiệu quả rõ hơn, nhiều hơn.

Nhưng để được như vậy, từ nay đến năm 2020, ngoài việc triển khai các khu kinh tế đã có phép thành lập, cần xây dựng lộ trình hình thành nên hệ thống các khu kinh tế cả nước một cách khoa học và khách quan, tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế;

Xem xét, tính toán việc đầu tư các dự án công trình trọng điểm quốc gia trên khu kinh tế để không gây lãng phí tiền của, đất đai, đảm bảo các công trình, dự án này thực sự khả thi, mang lại hiệu quả và trở thành động lực phát triển khu kinh tế...

Theo Phạm Hùng Nghị
Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG