Các nhà mạng xuống nước

Các nhà mạng xuống nước
TP - Nhà mạng Viettel, Vinaphone đã cam kết thiết kế gói cước dành riêng cho thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) với mức giá 10.000 đồng/tháng. Vướng mắc về giá cước với hộp đen căng thẳng nhiều ngày qua bắt đầu được tháo gỡ...

> Nhà mạng trả lời loanh quanh
> Ngành vận tải 'kêu cứu' vì 3G tăng cước

Kiểm tra chất lượng hộp đen. ảnh: như ý
Kiểm tra chất lượng hộp đen. ảnh: Như Ý.

Trước những bức xúc về giá cước 3G dành cho hộp đen tăng đột ngột nhiều ngày qua, sáng 30/10, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), Bộ Thông tin Truyền thông và các nhà mạng để tìm cách tháo gỡ...

Bán hộp đen không hiểu về hộp đen

Cuộc họp bắt đầu căng thẳng khi đại diện VATA, các DN kinh doanh hộp đen tiếp tục lên tiếng về sự gia tăng đột ngột về giá cước 3G mà họ đang dùng cho hộp đen, đặc biệt là từ cách tính block “nhảy cóc” từ 10 KB lên 50 KB của các nhà mạng.

Trong khi đó, Cục phó Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đức Trung lại cho rằng, việc điều chỉnh cước 3G vừa qua không “đụng” hộp đen; để xảy ra tình huống này là do DN vận tải, DN hộp đen dùng sai gói cước. “Nếu các DN lựa chọn phù hợp thì không đến mức như vậy”, ông Trung nói.

Bà Phạm Thị Thanh Vân – Phó tổng GĐ của Viettel Telecom (chiếm khoảng 70% thuê bao 3G của hộp đen) tiếp tục “điệp khúc”, Viettel không tăng và thay đổi cách tính cước với các gói cước dành riêng cho hộp đen (là V – Traking hay Dbiz).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trung, Cục phó Viễn thông nhắc nhở các DN vận tải, kinh doanh hộp đen cần tuân thủ đúng quy định về đăng ký tên thuê bao gói cước để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Nếu DN không thực hiện, Cục sẽ tiến hành thanh tra.

Phát biểu ngay sau đó, ông Tạ Công Thuận, Chi hội trưởng DN kinh doanh hộp đen (thuộc VATA) cho rằng, khi đăng ký dịch vụ, DN đã tự nghiên cứu để chọn phương án “tối ưu, rẻ nhất” trong các gói cước của nhà mạng. Ông Thuận khẳng định, gói cước V – Traking hay Dbiz của Viettel không tìm thấy trên thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề cuộc họp về việc trên, bà Vân cho biết: “Chúng tôi chưa có thông cáo chính thức nào về việc này. Có thể các bạn nhầm lẫn trong trao đổi thông tin”. Tuy nhiên, ngay hôm qua, trên website Viettel Telecom, bản thông báo tiêu đề “Viettel không tăng giá các gói cước data dịch vụ giám sát phương tiện vận tải”, danh sách các “DN tên tuổi” sử dụng các gói cước dành riêng cho hộp đen (thực ra là không sử dụng) đã bị xóa bỏ.

Ngạc nhiên nhất tại cuộc họp này là phát biểu của một đại diện khác của Viettel Telecom. Dù là nhà cung cấp hộp đen, nhưng người đại diện này lại nói: “Chúng tôi chưa hiểu nhu cầu gói cước của thiết bị giám sát hành trình thế nào. Vì thế, thời gian qua, khách hàng bình thường bị tăng 10- 20%; còn các đơn vị giám sát hành trình có thể bị tăng đến 10 lần”.

Chậm sửa gói cước vì phụ thuộc vào công nghệ

Tuy nhiên, cuộc họp sau đó đã đi đến những phương án khả quan. Viettel công bố, sau khi làm việc với một số DN hộp đen đã thống nhất lập một gói cước với giá 10 nghìn đồng/tháng.

Ông Hoàng Trung Hải, Phó GĐ Vinaphone cũng cho biết sẽ nhanh chóng thiết kế gói cước dành riêng cho DN vận tải, hộp đen với mức cước 10.000 đồng/tháng. Hai nhà mạng khác là MobiFone và Vietnamobile cũng có mặt để tái khẳng định đang cung cấp và sẽ hỗ trợ các DN với gói tương tự.

Để tháo gỡ kịp thời, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, nếu nhận được phương án, Cục Viễn thông sẽ thẩm định và ra quyết định trong 1 ngày. Nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào các nhà mạng.

Đại diện Vinaphone khẳng định sẽ triển khai gói cước mới từ ngày 30/10. Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Hải, GĐ Cty CH Hà Nội (cung cấp dịch vụ hộp đen, sử dụng 2.500 thuê bao của Vinaphone), cho biết đã được phía Vinaphone thông báo về gói cước mới.

Về phía Viettel, sớm nhất phải đến 16/11 mới có thể triển khai gói cước mới. Nguyên nhân được Viettel Telecom đưa ra là phải báo cáo, xin chủ trương trong tập đoàn và “phụ thuộc vào chu trình của hệ thống tính cước. Không thể vì một cái này để đảo được quy trình, thuật toán hiện nay”, bà Phạm Thanh Vân nói.

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho rằng, các bên cần sớm tiến hành để tránh thiệt hại. Ông Hùng nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của hộp đen trong việc góp phần giảm tai nạn giao thông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.