Các nước có thể học hỏi bài học phát triển của Việt Nam

Các nước có thể học hỏi bài học phát triển của Việt Nam
TP - Khẳng định trên được ông A-dây Chíp-bơ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra trong bài viết của mình đăng trên tạp chí “The Banker” (một tạp chí của Thời báo Kinh tế Anh) số ra tháng 2/2008 với tiêu đề “Việt Nam đi đầu trong việc giảm nghèo”.
Các nước có thể học hỏi bài học phát triển của Việt Nam ảnh 1
Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn luôn được coi trọng đầu tư. Trong ảnh: Xây dựng đường nối Tân An - Châu Thành (Long An)  Ảnh: Phạm Độ

Theo ông A-dây Chíp-bơ, sở dĩ tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam ngày càng giảm là do Việt Nam đã có chính sách phát triển đồng đều cho mọi người. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã là một trong những nước đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh nhất trên thế giới.

Tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam (tính bằng số người sống dưới mức 1 đô la Mỹ một ngày) đã giảm từ khoảng 58% năm 1993 xuống 16% năm 2006, với khoảng 34 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Tăng trưởng nhanh và liên tục, với tốc độ khoảng 7% đến 8% mỗi năm, là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nghèo.

Nhưng điều làm cho Việt Nam khác với những nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, là việc tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng. Hệ số Gini (một chỉ số xem xét bất bình đẳng thu nhập) của Việt Nam chỉ tăng từ 0,34 năm 1993 lên 0,36 năm 2006 (thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác) đã giải thích tốc độ giảm nghèo mạnh.

Độ sâu của nghèo đói, tính bằng tỷ lệ người nghèo nằm gần ngưỡng nghèo đói, đã giảm xuống và chúng ta có thể hy vọng thêm nhiều người nữa sẽ thoát khỏi đói nghèo trong tương lai gần.

Vậy Việt Nam đã thành công như thế nào?

Trước tiên, không giống như các nước đang phát triển khác, tăng trưởng và giảm nghèo đã diễn ra đồng đều cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Trong khi tỉ lệ nghèo đô thị thấp (khoảng 4% tổng số dân đô thị năm 2006) thì tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng đang giảm nhanh. Năm 1993, khoảng 2/3 dân số nông thôn bị coi là nghèo, nay con số này xuống còn 1/5.

Thứ hai, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được tiến hành khắp vùng miền của Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng thấp hơn những nơi khác, nhưng nghèo đói cũng giảm đi ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên, nơi tỷ lệ nghèo đói có cao hơn. Không có vùng nào bị bỏ rơi.

Thứ ba, tỷ lệ nghèo ở dân tộc Kinh và Hoa có thấp hơn các dân tộc thiểu số khác. Tuy nhiên, kể cả trong các nhóm dân tộc thiểu số- nhóm có tỉ lệ nghèo cao, nghèo đói cũng giảm liên tục trong 15 năm qua.

Có ba yếu tố dẫn tới tăng trưởng đồng đều cho mọi người ở Việt Nam – giáo dục, thương mại và cơ sở hạ tầng. Công cuộc xóa mù chữ ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1954 và phát triển mạnh vào những năm thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ XX.

Đẩy mạnh giáo dục phổ thông được tiến hành vào những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX, với các chiến dịch xóa mù chữ từ cấp tỉnh đến cấp xã được tiến hành. Ngày nay, Việt Nam đã có tỷ lệ người biết đọc biết viết lên tới 95%, cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ; đó là một yếu tố quan trọng để dẫn tới tăng trưởng cho mọi người.

Độ mở cửa thương mại của Việt Nam (tỷ lệ thương mại tính bẳng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP) hơn 150%, nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới cũng là một chìa khóa dẫn tới tăng trưởng cho mọi người.

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực đến tận đầu những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã nổi lên là một nước xuất khẩu nông sản lớn. Những hiệp định thương mại song phương và với WTO có tầm nhìn xa đã đem lại nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn (tới khoảng 16 tỷ USD, hơn 20% GDP năm 2007) và làm cho Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu các sản phẩm may mặc, công nghiệp nhẹ và gỗ lớn trên thế giới với nhiều lợi ích về công ăn việc làm cho nền kinh tế.

Cuối cùng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối tới vùng nông thôn, với chương trình điện khí hóa nông thôn và giao thông nông thôn ấn tượng nhất thế giới, đã đảm bảo rằng những khu vực xa xôi nhất cũng không bị bỏ rơi.

Ngày nay, khoảng 95% hộ gia đình Việt Nam có điện lưới, so với 50% đầu những năm 90 và khoảng 90% dân số Việt Nam sống trong khoảng cách 2km tới đường có thể đi được trong mọi điều kiện thời tiết. Điều này tạo điều kiện liên kết giữa nông thôn và thành thị, tới các cảng và mạng lưới giao thông và tiếp cận radio và ti vi kể cả ở vùng sâu, vùng xa.

Khi Việt Nam đang tiến tới mức thu nhập trung bình 1.000 USD và vị thế là nước có thu nhập trung bình năm 2009, vấn đề đặt ra là liệu mô hình phát triển cho mọi người trong thời gian qua có còn bền vững không.

Để làm được điều này, Việt Nam phải giúp đỡ công dân của mình tiếp cận tới giáo dục đại học, nâng cao năng suất ở khu vực nông thôn và công nghiệp hóa mạnh hơn, cũng như đảm bảo các dân tộc thiểu số phải có cơ hội được phát triển để không bị bỏ lại phía sau. Việt Nam cũng cần phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiện đại cho những người có thể bị bỏ rơi và đảm bảo tăng trưởng không hủy hoại môi trường.

“Dù vậy, trong quá trình giải quyết những thử thách này, Việt Nam đã để lại một bài học về phát triển cho mọi người mà các nước khác có thể học hỏi”- Ông A-dây Chíp-bơ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.